Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản mở cửa phiên hôm nay đảo chiều giảm, trong bối cảnh nhu cầu không chắc chắn, mặc dù giá dầu thô tăng và thời tiết khắc nghiệt tại nhà sản xuất hàng đầu Thái Lan đã hạn chế đà giảm.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 10/2024 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa giảm 2,4 JPY, tương đương 0,77% chốt ở 307,4 JPY (1,98 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 140 CNY, tương đương 0,98% chốt ở 14.180 CNY (1.962,41 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6/2024 trên sàn SICOM Singapore chốt ở 162,2 US cent/kg, giảm 0,6%.
Trong các tháng đầu năm 2024, thị trường cao su bị chi phối bởi kinh tế toàn cầu không hoàn toàn lạc quan, căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, bất ổn ở Trung Đông đã mang đến những thách thức đối với chuỗi cung ứng và logistics toàn cầu.
Tuy nhiên, giá cao su vẫn tăng trưởng đáng kể do nguồn cung khan hiếm bởi các yếu tố mùa vụ và nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu.
Cơ quan khí tượng của nước sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan cảnh báo, mưa lớn và lũ lụt ở thượng nguồn nước này từ ngày 8 – 14/5/2024, có khả năng gây thiệt hại mùa màng.
Giá dầu phiên hôm nay tăng trở lại do tồn kho dầu thô của Mỹ giảm, do các nhà lọc dầu tăng dần sản lượng trước mùa lái xe mùa hè, cho thấy nguồn cung bị thắt chặt, trong bối cảnh kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô.
Nhập khẩu cao su trong các tháng đầu năm 2024 của các thị trường như Ấn Độ, Mỹ, Malaysia đều có xu hướng tăng, do nhu cầu dần được cải thiện.
Sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử đang diễn ra ở Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô trong tháng 5/2024, mặc dù sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các mẫu xe mới ra mắt ngày càng tăng.
Các Giám đốc điều hành hàng đầu của BMW và Volkswagen cảnh báo không nên áp thuế nhập khẩu của EU đối với xe điện từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, bởi điều đó có thể làm đảo lộn kế hoạch Thỏa thuận xanh (EGD) của khối và gây tổn hại cho các nhà sản xuất ô tô nhập khẩu ô tô sản xuất tại Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Nhật Bản, mức lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát của nước này trong tháng 3/2024 đã giảm 2.5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu đà giảm trong năm thứ hai liên tiếp. Dữ liệu cho thấy tốc độ giảm đã tăng nhanh so với tháng trước (giảm 1.8%) do chi phí sinh hoạt tăng cao hơn mức lương danh nghĩa.
Nhật Bản đang ghi nhận những dấu hiệu tích cực về chu kỳ tăng lương và lạm phát. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí sinh hoạt, điều này nhấn mạnh những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc thuyết phục các công ty tăng lương.
Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng tiền lương thực tế sẽ chuyển biến tích cực vào một thời điểm nào đó trong năm tài chính 2024 và 2025.
Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters
Phản hồi