Thị phần cao su của Việt Nam tại Trung Quốc đã tăng liên tục trong hơn 10 năm qua, từ mức khiêm tốn 4,7% của năm 2014 lên hơn 22% của hiện tại. Ngược lại, thị phần của Thái Lan tại Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp (bao gồm cả mủ cao su Latex) của nước này trong quý I đạt 1,8 triệu tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: Hoàng Hiệp tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc
Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan, thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Trung Quốc giảm tới 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 588.265 tấn.
Việt Nam là nguồn cung lớn thứ hai với khối lượng đạt 402.669 tấn, giảm nhẹ 3,1%. Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Trung Quốc vẫn tăng lên mức 22,3% so với 21,2% của năm 2023.
Như vậy, thị phần cao su của Việt Nam tại Trung Quốc đã tăng liên tục trong hơn 10 năm qua, từ mức khiêm tốn 4,7% của năm 2014 lên hơn 22% của hiện tại. Ngược lại, thị phần cao su của Thái Lan tại Trung Quốc trong quãng thời gian kể trên lại thu hẹp đáng kể từ hơn 40% xuống chỉ còn 32,6%.
Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu cao su từ một số thị trường khác trong quý I năm nay như: Malaysia đạt 185.875 tấn, tăng 5,2%; Nga đạt 143.623 tấn, tăng mạnh 39,2%; Bờ Biển Ngà đạt 89.398 tấn, giảm 21,1%…
Trong quý I, giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1.395 USD/tấn, khá cạnh tranh so với mức giá 1.506 USD/tấn của Thái Lan, 1.497 USD/tấn của Malaysia và 1.510 USD/tấn của Nga.
Nguồn: Hoàng Hiệp tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc
Cơ hội lớn cho cao su Việt Nam mở rộng thị phần tại Trung Quốc
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2024 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức trên thị trường quốc tế, nhu cầu Trung Quốc - thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam. Thêm vào đó, những thay đổi bất lợi về thời tiết, thị trường, giá cao su sẽ biến động khó lường.
Hiện giá cao su tự nhiên đang tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, cùng với sản lượng kém ở Thái Lan và Indonesia. Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao, mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, nguồn cung cao su có thể tiếp tục thiếu hụt trong năm 2024- 2025, thị trường toàn cầu có thể sẽ thiếu hụt khoảng 600-800 nghìn tấn mỗi năm. Sự chênh lệch cung - cầu này đến từ tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4-6% mỗi năm, nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 1-3%/năm trong giai đoạn 2024- 2025. Diện tích trồng cao su tại Thái Lan và Indonesia liên tiếp giảm do dịch bệnh trên cây cao su và xu hướng chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hiệu suất thu hoạch cao su cũng đã giảm xuống trong những năm gần đây do dịch bệnh và thời tiết cực đoan. Đặc biệt, năm 2024 dự báo sẽ là năm khắc nghiệt với cây cao su khi chuyển giao giữa hiện tượng El Nino và La Nina, gây ra nhiều biến động trong mùa vụ khai thác cao điểm tại khu vực Đông Nam Á.
Trong quý I năm nay, xuất khẩu cao su tự nhiên và cao su hỗn hợp của Thái Lan chỉ đạt 1,08 triệu tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, xuất khẩu cao su của Indonesia giảm 19,7%, xuống chỉ còn 399.000 tấn.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho thấy, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 14,5 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Trong đó, Thái Lan giảm 0,5%, Indonesia giảm 5,1%, Trung Quốc tăng 6,9%, trong khi Ấn Độ tăng 6%, Việt Nam tăng 2,9%, Malaysia tăng 2,9% và các nước khác tăng 7,3%.
Tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ tăng 3% lên 15,67 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc tăng 5,5%, Ấn Độ tăng 3%, Thái Lan tăng 1%, Malaysia tăng 45,4%, Việt Nam tăng 6%, các nước khác giảm 3,8%.
Tại Trung Quốc, cao su tự nhiên chủ yếu được sử dụng trong ngành sản xuất săm lốp ô tô. Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), sản lượng và doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong quý I năm nay đã tăng 6,4% và 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt là 6,6 và 6,7 triệu chiếc.
Trong bối cảnh nhu cầu của thị trường duy trì ở mức cao như hiện nay, trong khi sản lượng của các đối thủ cạnh tranh chính có xu hướng thu hẹp, Việt Nam được cho đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng thị phần cao su tại Trung Quốc.
Nguồn: VNB
Phản hồi