Ở tỷ lệ bổ sung 6%, protein thủy phân có khả năng thay thế một phần bột cá, trong thức ăn ương gièo của tôm thẻ chân trắng (TTCT) Thái Bình Dương.
Nguồn peptide tiềm năng
Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các loài tôm nuôi hiện nay là hàm lượng và chất lượng protein. Điều này liên quan đến khả năng tiêu hóa protein, bằng cách điều hòa quá trình tổng hợp, bài tiết và bất hoạt các enzyme tiêu hóa. Trong đường ruột của động vật, peptide bị thủy phân, cung cấp các peptide nhỏ hơn và được tế bào ruột hấp thụ nhanh hơn so với axit amin tự do, giúp tạo ra dạng axit amin cân bằng hơn trong máu.
Những tác động khác nhau của protein thủy phân khi thay thế bột cá, đối với hiệu suất tăng trưởng của vật nuôi thủy sản, có liên quan đến nguồn gốc và công nghệ chế biến, cũng như trọng lượng phân tử của peptide và axit amin tự do, có thể tương tác và ảnh hưởng, ví dụ, cấu trúc protein và vị trí nhận biết enzyme tiêu hóa. Các nghiên cứu cho thấy các thành phần chứa protein thủy phân, có thể được đưa vào khẩu phần ăn của tôm ở nồng độ thấp hơn, để hỗ trợ hiệu suất tăng trưởng và hệ vi sinh vật đường ruột tốt hơn.
Mặc dù đã có một số nghiên cứu về sử dụng chất thủy phân trong thức ăn của tôm, riêng lẻ hay kết hợp với sản phẩm khác, nhưng vẫn chưa đưa ra những thông tin sáng tỏ, về tác động của chúng lên sự tăng trưởng và sức khỏe của tôm, trong các giai đoạn nuôi khác nhau. Do đó, Negrini, C. et al. 2024 đã tiến hành nghiên cứu những tác động của việc thay thế một phần bột cá bằng protein thủy phân, trong những khẩu phần thức ăn của TTCT (P. vannamei) có chứa hoặc không chứa phụ gia.
Thử nghiệm được thực hiện tại Phòng thí nghiệm nuôi tôm, thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững (Đại học Parana, Brazil). Ấu trùng TTCT (PL30) được thu mua từ trại giống Aquatec ở Rio Grande do Norte, Brazil. Thời gian thử nghiệm kéo dài 28 ngày, nhằm đánh giá tác động của việc thay thế một phần bột cá bằng protein thủy phân và một sản phẩm thương mại, trong khẩu phần của ấu trùng TTCT giai đoạn ương gièo.
Khả năng thay thế bột cá
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thay thế một phần bột cá bằng protein thủy phân, mang lại kết quả tương đương về sức khỏe và hiệu suất chăn nuôi. Kết quả tăng trưởng tốt nhất được ghi nhận, khi protein thủy phân được bổ sung ở mức thấp, bởi khi tăng chất này lên, sự tăng trưởng của tôm cũng giảm.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy 6% protein thủy phân, đủ khả năng thay thế một phần bột cá. Theo đó, chế độ ăn chứa protein thủy phân, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho TTCT. Các chất thủy phân bền vững về kinh tế và môi trường, đồng thời là nguồn tài nguyên tái tạo có thể thay thế bột cá. Công nghệ chế biến chất thủy phân cũng tiết kiệm năng lượng hơn.
Các sản phẩm protein thủy phân và sản phẩm thương mại, mà nhóm nghiên cứu đánh giá ở trên, đều không làm thay đổi thành phần cơ thể của tôm gièo; tương tự với nhóm tôm chỉ sử dụng bột cá trong chế độ ăn. Điều này chứng tỏ các thành phần được đánh giá, đã đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng của TTCT và không ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng của tôm thương phẩm.
Khả năng tiêu hóa thức ăn, phụ thuộc vào sự xuất hiện và hoạt tính của các enzyme tiêu hóa. Trong nghiên cứu trên gan tụy, nhóm chuyên gia nhận thấy hoạt tính của enzyme tiêu hóa ở nhóm tôm được nuôi bằng chế độ ăn chứa protein thủy phân, không có sự thay đổi so với nhóm tôm được nuôi bằng bột cá. Biểu hiện của một số gen trong gan tụy và mô cơ tôm bắt đầu thay đổi, khi chuyển từ chế độ ăn protein động vật sang protein thực vật và ngược lại. Sự thay đổi này liên quan đến quá trình điều chỉnh trao đổi chất và sinh lý để phù hợp với thức ăn. Tuy nhiên, khả năng tiêu hóa các loại thức ăn khác nhau, liên quan đến đặc tính enzyme của từng đối tượng nuôi. Trong nghiên cứu này, tổng số lượng tế bào máu không bị thay đổi, đã chứng tỏ các chất thủy phân được thử nghiệm, không có tác dụng kích thích miễn dịch.
Kết luận, các sản phẩm thủy phân được thử nghiệm, có hoặc không có phụ gia, cũng như sản phẩm thương mại, đều có thể thay thế một phần bột cá, trong khẩu phần ăn của tôm gièo, mà vẫn đảm bảo hiệu suất tăng trưởng và giá trị dinh dưỡng của tôm thương phẩm ở mức bổ sung 6%. Đây là cơ sở để xây dựng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng cho TTCT, nhằm giảm sự phụ thuộc vào bột cá.
Vũ Đức (Theo Aquafeed)
Nguồn: Thủy sản Việt Nam
Phản hồi