Hiện giá sầu riêng trong nước dao động từ 50.000 - 120.000 đ/kg, nhưng một số cửa hàng ở TP.HCM lại lên tới 300.000 đ/kg. Việc giá không đồng đều khiến người dân hoang mang.
Giá sầu riêng đắt, rẻ khó định
Theo chị Mai, người dân sống ở quận 10 (TP.HCM), việc mua sầu riêng là một thách thức không nhỏ. Bởi những nơi quen có giá thấp nhất cũng 100.000 - 120.000 đ/kg, có cửa hàng lớn thậm chí còn bán tới 200.000 - 300.000 đ/kg (tùy giống và hình thức thu hoạch chín rụng tự nhiên hay thu lượm).
Ngoài các giống được trồng tại Việt Nam thì những sản phẩm sầu riêng Thái Lan, Malaysia nhập khẩu cũng có giá đến 500.000 - 600.000 đ/kg. Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông lại báo giá giảm mạnh, thậm chí chỉ còn 50.000 - 60.000 đ/kg.
Trước việc khó đoán định giá thật, chị Mai đã quyết định lựa chọn chỗ uy tín, giá luôn trên 100 ngàn đ/kg vì sợ mua hàng kém chất lượng. Dẫu vậy, phải bỏ ra số tiền gấp đôi, chị vẫn lo sợ quả chưa chắc đã ngon hơn.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, hiện tại cây nông sản này đang vào vụ thu hoạch chính trong năm. Thời điểm này không chỉ có nước ta mà cả Thái Lan cũng có hàng nên giá giảm là điều bình thường.
Các chuyên gia cũng kiến nghị không nên so sánh giá sầu riêng hiện tại với giai đoạn vụ trái hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, ngoài vấn đề cung - cầu của thị trường thì chất lượng của trái cây này tại Việt Nam cũng cần được cải thiện vì theo quy luật giá cả thường đi đôi với chất lượng.
Xuất khẩu sầu riêng ách tắc vì cấp mã số chậm
Năm 2023, nước ta có khoảng 110.000 ha trồng cây sầu riêng, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn; tăng gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018; xuất khẩu trên 600.000 tấn, đạt kim ngạch 2,2 tỉ USD. Năm 2024, diện tích trồng đã đạt 150.000 ha, sản lượng dự kiến có thể đạt tới 1,5 triệu tấn.
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng của nước ta đã đạt trên 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩunăm nay tiếp tục tăng trưởng tốt, có thể đạt trên 3 tỉ USD nhờ nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam mới chỉ cấp được 708 mã số vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Chuyên gia cho rằng, việc thu hái quả còn non chưa đủ tuối vẫn đang diễn ra, chính điều này đã khiến nhiều lô hàng bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và cảnh báo an toàn thực phẩm. Và nếu không quyết liệt xử lý thì nguy cơ ngành sầu riêng Việt Nam sẽ bị các nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Thanh Tâm (NNVN)
Phản hồi