Bạn Nguyễn Thùy Linh, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh hỏi: Xin tư vấn các biện pháp phòng bệnh cho cá mùa nóng?
Trả lời:
Người nuôi cần phải mua con giống tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch bởi các cơ quan chức năng. Thả giống với mật độ hợp lý, tuân thủ lịch thời vụ do Sở NN&PTNT ban hành. Cần loại bỏ những con giống yếu, con giống bị bệnh ra khỏi ao nuôi.
Nên sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng đối tượng nuôi; không nên sử dụng các loại thức ăn đã ươn thối, ẩm mốc hoặc đã hết hạn sử dụng.
Cho ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Nếu nhiệt độ cao trên 360ºC kéo dài có thể giảm 50% lượng thức ăn, những ngày cá bị nổi đầu nặng có thể dừng cho cá ăn 2 – 3 ngày liền. Thường xuyên kiểm tra, vớt bỏ thức ăn thừa trong ao nuôi và địa điểm cho ăn.
Quản lý tốt các yếu tố môi trường nuôi tốt, duy trì ở ngưỡng thích hợp trong quá trình nuôi. Cụ thể:
– Luôn luôn đảm bảo mực nước trên 1 m, đặc biệt trong mùa nắng nóng mực nước càng sâu, môi trường sống càng ổn định. Mực nước lý tưởng nhất là 1,5 m. Màu nước duy trì màu xanh lá cây pha nâu, nâu vàng hoặc xanh lá chuối non.
– Độ trong của nước nuôi thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào mật độ của sinh vật phù du có trong ao. Khi độ trong quá thấp, thường do tảo phù du phát triển quá dày, làm các chỉ số pH, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) biến động rất lớn gây sốc cho thủy sản nuôi trong ao. Ngược lại, khi độ trong cao, DO thường thấp và tảo đáy có nguy cơ bùng phát mạnh, cạnh tranh không gian hoạt động và ôxy về ban đêm, gây sốc cho tôm, cá. Độ trong nước ao nuôi nên duy trì từ 40 – 60 cm trong vòng 2 tháng đầu. Đến tháng thứ 3 trở đi, duy trì độ trong từ 35 – 45 cm.
DO: Vào mùa hè, nhiệt độ cao hoạt động của vi sinh vật phân hủy hợp chất hữu cơ trong nước diễn ra nhanh, kèm theo tiêu hao nhiều ôxy hòa tan trong nước kết hợp với tiêu hao ôxy của thủy sản dẫn đến thiếu ôxy trong nước làm cho thủy sản bị nổi đầu, thời điểm nặng nhất vào 4 – 6 giờ sáng. Do vậy cần chủ động tăng cường ôxy hòa tan vào nước ao nuôi bằng cách: Bơm nước mới vào ao; dùng máy sục khí, quạt nước vào thời điểm từ 4 – 6 giờ sáng.
– pH: Duy trì pH nước trong khoảng 7,5 – 8,5. Nếu pH thấp hơn hoặc cao hơn, thay nước và bón vôi sống (CaCO³), vôi Dolomite (CaMg(CO³)²) với tỷ lệ 150 – 300 kg/ha. Ngay sau khi trời mưa to, cần bón vôi xuống ao, rắc vôi dọc theo bờ ao.
Chủ động phòng bệnh cho từng đối tượng cá nuôi, không lạm dụng thuốc và chỉ dùng các loại thuốc, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản có trong danh mục của Bộ NN&PTNT.
Nguồn: Thủy sản Việt Nam
Phản hồi