Ông Phạm Công Hòa, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) hỏi: Biện pháp điều trị bệnh MBV ở tôm sú?
Trả lời:
Tác nhân gây bệnh là virus MBV (Monodon Baculovirus). Khi tôm mới nhiễm virus MBV, dấu hiệu bệnh không biểu hiện rõ ràng. Khi tôm nhiễm bệnh nặng và phát bệnh thường có biểu hiện một số dấu hiệu sau: Tôm có màu tối hoặc xanh tái, xanh sẫm. Tôm kém ăn, hoạt động yếu và sinh trưởng chậm (chậm lớn); Các phần phụ và vỏ kitin có hiện tượng hoại tử, có nhiều sinh vật bám (ký sinh trùng đơn bào, tảo bám và vi khuẩn dạng sợi); Gan tụy teo lại có màu trắng hơi vàng, thối rất nhanh; Tỷ lệ chết cao, lên tới 70% hoặc có thể tôm chết hầu hết trong ao.
Bệnh do virus gây ra nên hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh là cần thiết. Đường lây nhiễm bệnh chủ yếu là từ nguồn giống, chất lượng môi trường nước ao không đảm bảo. Vì vậy, cần lựa chọn con giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh MBV; Luôn vệ sinh ao đảm bảo chất lượng ao nuôi ổn định, đồng thời quản lý tốt sức khỏe tôm; Tẩy dọn ao, bể nuôi theo đúng quy trình của Bộ NN&PTNT; Nuôi tôm đúng mùa vụ, quản lý chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn về chất và lượng. Trong quá trình nuôi, hạn chế không để tôm sốc; Kiểm dịch đàn tôm bố mẹ trước khi cho đẻ; Xử lý nước bằng tầng ôzôn và các chất khử trùng có gốc Clo (TCCA) trước khi ấp trứng thì mới có thể sản xuất được đàn tôm Postlarvae không nhiễm virus MBV.
Nguồn: Thủy sản Việt Nam
Phản hồi