Phòng bệnh cho gà đẻ trứng bằng lá cây rừng giúp gia đình chị Nguyễn Thị Thắm giảm chi phí đầu tư, đàn gà ít dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, trang trại chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) nuôi 1.000 con gà các loại trong đó có 800 con gà đẻ trứng, theo hình thức bán chăn thả. Nghĩa là hàng ngày chị vẫn cho đàn vật nuôi thả ra ngoài vườn đồi với không gian rộng lớn để chúng có không gian vận động.
Để giúp đàn vật nuôi không bị nhiễm dịch bệnh, chị tuân thủ nghiêm quy trình tiêm phòng các loại bệnh thường gặp như cúm gia cầm, Newcastle, tụ huyết trùng… Ngoài ra, hàng ngày chị lấy các lá cây trên rừng từ bài thuốc của người Dao, cộng thêm gừng tỏi rồi trộn với cám cho chúng ăn để tăng sức đề kháng. Do đó, đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, ít dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thị Thắm cho biết, trước kia nếu phòng bệnh cho đàn gà bằng thuốc thú y, trung bình mỗi tháng chị phải bỏ ra khoảng 6 triệu đồng tiền mua thuốc. Nhưng phòng bệnh bằng lá cây chị chỉ cần bỏ công lên rừng hái lá thuốc. Một lợi thế nữa của việc cho gà phòng bệnh bằng lá là dù gà có ăn nhiều lá cây rừng cũng không bị ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất trứng bởi nó như một loại rau thay thế thức ăn.
Khoảng 20 năm nay, nghề chăn nuôi đã giúp gia đình chị Thắm có nguồn thu nhập ổn định, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Thế nhưng, mấy năm nay, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh nhiều trong khi đó giá thu mua gia súc, gia cầm thương phẩm thấp đẩy những hộ chăn nuôi quy mô lớn như gia đình chị gặp nhiều khó khăn.
Trước thách thức đó, chị Thắm nghĩ nếu tiếp tục chăn nuôi như trước người chăn nuôi gần như không có lãi. Chị đã học hỏi các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở các vùng lân cận và tìm kiếm thêm thông tin trên mạng internet để chế biến cám thức ăn chăn nuôi của riêng mình. Chị Thắm cho biết, để có những bao cám đủ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi lớn nhanh khỏe mạnh, chị mua thóc, ngô, cá… rồi phối trộn, ủ cho đàn vật nuôi ăn dần.
Nhiều người bảo rằng, nếu chăn gà đẻ trứng mà không nuôi cám công nghiệp đàn gà sẽ không biết đẻ. Nhưng chị vẫn quyết tâm làm, bởi chị nghĩ ngày trước khi chưa có cám công nghiệp gà nuôi vẫn cho trứng rất đều.
Từ nuôi gà đẻ trứng, mỗi năm gia đình chị Thắm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ảnh: Đào Thanh.
Quyết tâm ấy đã giúp chị thành công. Bởi so với những trang trại cùng nuôi theo mô hình thông thường, với số lượng gà 1.000 con mỗi ngày phải mất hơn 1 triệu tiền cám công nghiệp, nhưng gia đình chị chị mất khoảng 700.000 đồng. Hiện nay, với 800 con gà đẻ trứng, trung bình mỗi ngày chị thu về 400 quả trứng. Nếu như giá trứng tại những mô hình nuôi thông thường bán 2.200 đồng/quả, gà của trang trại chị được các siêu thị ở Hà Nội thu mua với giá 3.000 đồng/quả.
Như vậy, chăn nuôi theo mô hình phòng trừ dịch bệnh bằng lá cây rừng, chế biến cám bằng nguồn thức ăn tự có tại địa phương ủ với men vi sinh vừa giúp chị Thắm giảm được chi phí đầu tư đầu vào, vừa có nguồn trứng chất lượng cung ứng ra thị trường và được đón nhận với giá khá cao. Trừ các khoản chi phí, từ chăn nuôi gà đẻ trứng, mỗi năm gia đình chị Thắm thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương cho biết, mô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình chị Nguyễn Thị Thắm là mô hình chăn nuôi tiêu biểu nổi bật của địa phương.
Địa phương khuyến khích phát triển chăn nuôi hộ gia đình, nhất là chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện hướng dẫn giúp đỡ gia đình chị Thắm làm các thủ tục để sản phẩm chăn nuôi của gia đình sớm được chứng nhận đạt sao OCOP.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Phản hồi