Tre Bát độ là cây nhiệt đới, sinh trưởng thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ trung bình 18-280C, lượng mưa 1.400 mm trở lên, số giờ nắng 1.300-1.600 giờ/năm. Những nơi có lượng mưa, số giờ nắng cao hơn thì càng tốt.
Tre Bát độ thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau, là cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng ngập quá lâu. Cây có khả năng chịu hạn tốt, có thể trồng được ở đồi dốc cho tới độ cao 500 m so với mặt nước biển. Sau khi trồng 2 năm thì có thể khai thác măng. Năng suất măng thâm canh cao nhất đạt 90-135 tấn/ ha; thời gian cho khai thác măng 15-20 năm. Măng tre Bát Độ ăn có vị ngọt, giòn, không cần nấu kỹ như các loại măng khác lại dễ chế biến, có thể ăn tươi, làm măng chua…
1. Kỹ thuật gây trồng
1.1. Kỹ thuật nhân giống
- Nhân giống bằng hom gốc
Đối với các loại tre thân mọc cụm thì có thể nhân giống bằng hom gốc hoặc hom cành. Việc nhân giống bằng hom gốc là đơn giản nhất, chỉ cần chọn cây tre bánh tẻ (1 năm tuổi) vào vụ xuân tách khỏi bụi, trộn rơm rạ + bùn ao quấn quanh rễ, khi cây ra rễ mới thì mang ra trồng.
- Nhân giống bằng hom cành
- Chọn cây mẹ: Là những cây sinh trưởng tốt, có tuổi từ 1,5 đến 2 tuổi, không bị sâu bệnh. Cành chiết là những cành bánh tẻ không già quá, hoặc không non quá.
- Tiến hành chiết: Bóc bẹ, vệ sinh đùi gà phần sát thân cây mẹ, cắt bỏ phần ngọn cành chiết để lại chiều dài khoảng 25-30 cm. Dùng cưa tay cưa tách phần đùi gà 1/3 từ trên xuống và 1/3 ở dưới sát thân cây mẹ, chỉ để lại một phần nhỏ để giữ bầu và cành chiết.
Dùng hỗn hợp bùn + rơm trộn lẫn bó quanh gốc cành chiết sau đó dung nilon quấn kín, buộc chặt, sau 1 tuần kiểm tra bầu bó nếu khô phải tưới giữ ẩm. Trong thời gian 30 ngày sau khi bó bầu, lúc đó rễ đã ra nhiều, kiểm tra thấy mầu rễ thâm vàng thì lấy cành xuống giâm ở vườn ươm, thời gian ươm khoảng 25-30 ngày. Khi giâm tháo bỏ nilon quanh bầu ròi cho vào túi bầu có đường kính 20 cm, cao 30 cm, cho đất lấp kín bầu chiết rồi chuyển ra vườn ươm (đất làm bầu phải được trộn với phân chuống hoai mục, tơi xốp). Hàng ngày tưới phun giữ ẩm không để cho bầu khô hoặc ướt quá, không để nắng và gió trự tiếp vào luống giâm cành chiết. Sau khi giâm 30 ngày, trồi mới đã toản lá, sinh trưởng tốt thì đủ tiêu chuẩn đem trồng.
1.2. Thời vụ, khoảng cách mật độ trồng.
- Thời vụ: Tre Bát độ được trồng từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, khi cây tre đang trong thời kỳ ngủ nghỉ, tốt nhất là tháng 01 (trước Tết Nguyên đán).
- Khoảng cách, mật độ trồng: Khoảng cách cây 4 m, hàng cách hàng 5 m, mật độ 500 cây/ ha.
1.3. Kỹ thuật trồng
- Đào hố, bón lót: Kích thước hố đào sâu 40 cm, rộng 70 cm; khi đào để lớp đất mặt sang một bên, lớp đất đáy để sang một bên. Trộn 15-20 kg phân chuồng hoai mục (Không dùng phân chuồng tươi) + 0,1 kg Supe lân/ hố, đảo đều với lớp đất mặt cho xuống hố trước khi trồng 10-15 ngày.
- Dùng cuốc đào một hố nhỏ, giữa hố, có độ sâu hơn chiều dài hom giống
- Đặt hom theo hướng nghiêng 45 độ so với mặt đất. Đặt hom giống vào giữa hố rồi lần lượt lấp đất vào, vừa lấp đất vừa dùng tay ấn chặt đất xung quanh hom giống
- Dùng đất bột lấp tiếp lên phía trên hom giống với độ dày từ mặt đất trên của hom giống trở lên là 5cm.
- Dùng rơm rạ, mùn rác phủ lên phía trên mặt đất vùng hố với độ dày 3-5cm. Cuối cùng tưới nước thật đẫm.
Lưu ý: Trước khi trồng phải rạch bỏ túi bầu và tránh không làm vỡ bầu đất.
1.4. Chăm sóc
- Hàng ngày kiểm tra, nếu thấy đất trong vùng hố bị khô thì tiếp tục tưới nước bổ sung cho đủ ẩm.
- Trong 1-2 năm đầu khi giữa các hàng tre chưa giao tán nên trồng xen cây họ đậu để tre phủ mặt đất chống bốc hơi, giữ ẩm đất và cải tạo đất.
- Sau khi trồng cần phải định kỳ làm cỏ và xới đất, phát bỏ cây dại. Những năm đầu, số lần chăm sóc và làm cỏ tối thiểu 3 tháng 1 lần kết hợp với phủ rơm rạ quanh gốc. Làm cỏ xới đất, phủ gốc giúp cho cây mau bén rễ khi mới trồng, tạo điều kiện cho đất tơi xốp, thuận lợi cho măng sinh trưởng phát triển tốt.
- Hàng năm cần bón thúc cho cây ra nhiều măng, mỗi năm bón 2 lần: Lần 1 vào vụ Xuân trước khi ra măng (khoảng tháng 1, 2 âm lịch), và lần 2 sau khi thu hết măng (khoảng tháng 10 âm lịch), giúp cho cây phục hồi sức.
- Nếu có điều kiện, cần tưới nước cho cây vào những ngày khô hạn sẽ giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, tạo điều kiện cho măng mọc dễ dàng.
- Quá trình chăm sóc ngoài việc phát dọn cây cỏ và xới xáo, bón phân cho cây tre, chúng ta cần lưu ý phát dọn những cành tăm tua ở vùng gốc của các khóm tre, đồng thời chặt tỉa những cây tre mọc ở thời gian đầu tiên khi trồng đó là những cây có thân hình bé nhỏ còi cọc Mỗi khóm tre để cây mẹ từ 4 cây to khoẻ trở lên.
1.5. Bón phân
- Tỷ lệ bón phân cho một gốc tre mỗi lần như sau: Phân chuồng hoai 20-30kg; NPK(2:1:1) là 0,4kg
- Làm cỏ xới xáo đất và vun gốc ở mỗi khóm tre sau đó phủ các loại rơm rạ và các chất mùn khác lên toàn vùng hố của gốc tre giúp cho cây tre có độ tơi xốp và giữ ẩm.
- Đào rãnh nhỏ xung quanh bụi tre cách gốc 1m, sâu 15-20cm rồi rải phân vô cơ + phân chuồng sau đó lấp kín đất lại.
- Lưu ý: Không được lấp đất (Vun gốc) lên gốc măng để tránh tình trạng rễ ăn nổi lên mặt.
1.6. Phòng trừ sâu bệnh
* Về sâu: Chủ yếu là sâu vòi voi (phá hoại củ măng ở dưới đất), sâu cuốn lá, châu chấu hại lá (Đặc biệt chú ý các sâu này khi trồng năm đầu). Khi phát hiện phải tổ chức bắt, giết ngay.
- Đối với sâu vòi voi xuất hiện thì dùng Dipterex pha loãng 500 lần để phun, 3 đến 5 ngày phun 1 lần.
- Đối với sâu cuốn lá và châu chấu thì có thể dùng biện pháp thủ công là bóc ra để giết sâu hoặc dùng Ofatox để phụ diệt sâu và châu chấu.
* Về chuột hại: dùng nilon để quây khi mới trồng và dùng bẫy, bả sinh học để diệt chuột.
* Về nấm bệnh: Chủ yếu là bệnh thối măng, ta dùng thuốc Boocdo 1% hoặc thuốc Benlat để phun, mỗi tuần một lần. Ngoài ra trong năm đầu còn xuất hiện một số loại nấm hại lá vì vậy nên khi thấy xuất hiện bệnh ta vặt bỏ lá bị bệnh đem đi xa đốt, sau đó dùng thuốc Boocdo và Benlat để phun.
* Bảo vệ trâu bò và các loại gia súc khác phá hoại. Đây là công việc rất cần được quan tâm thường xuyên.
2. Thu hoạch và thay cây mẹ
2.1. Thu hoạch.
Tre Bát độ có thể thu hoạch từ năm thứ 3 sau trồng, thời gian thu hoạch trong năm từ tháng 5 đến tháng 11. Chồi măng khi chưa ra khỏi mặt đất, vỏ mỏng có mầu vàng nâu, thịt măng ngon và chất lượng tốt nhất. Khi chồi măng mọc lên khỏi mặt đất, vỏ măng chuyển sang mầu xanh lục, thịt măng dần hóa gỗ, chất lượng giảm. Vì vậy, phải lấp đất hoặc mùn hữu cơ phủ gốc từ 15-30 cm, có thể phủ cao hơn nữa không để măng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Khi chồi măng nhú lên khỏi mặt đất phủ thì tiến hành thu hoạch. Tốt nhất là thu hoạch măng vào buổi sáng, dung cuốc bới đất xung quanh chồi măng, dùng dao cắt măng lấy ra khỏi gốc cây mẹ. Chú ý không làm tổn thương gốc cây mẹ, Lấy măng xong phải phủ đất lên gốc khóm măng như cũ.
2.2. Để cây con thay thế cây mẹ.
Tre Bát độ tiến hành thay thế cây mẹ sau khi thu hoạch theo chu kỳ 4 năm một lần. Do vậy năm thứ 6 sau trồng để lại 4,5 cây măng to khỏe phân đều các hướng ngoài bụi tre để lại làm cây mẹ, các chồi măng khác thu hoạch hết, đến mùa đông tiến hành đào bỏ 4-5 cây tre mẹ cũ, mỗi gốc để lại 4 cây mẹ cũ và 4-5 cây mẹ mới. Như vậy mỗi bụi tre chỉ để lại 7-8 cây làm mẹ, cứ như thế cách 4 năm lại đào bỏ đi 4-5 cây tre mẹ già để lại 4-5 cây măng mới. Như vậy năm nào cũng có măng thu hoạch, 4 năm sau mới phải đào bỏ gốc tre mẹ già 1 lần.
3. Kỹ thuật chăm sóc vườn tre bát độ lấy măng cuối vụ
3.1.. Vệ sinh vườn tre:
Sau khi thu hoạch măng song các hộ thường ít quan tâm đến vườn tre, rất nhiều vỏ măng và đốt già của cây măng còn lưu lại trên mặt đất, nếu không được vệ sinh sạch đây sẽ là môi trường phát sinh nấm bệnh gây hại măng, khóm tre bị thiếu dinh dưỡng do cỏ dại cạnh tranh, nuôi cây mẹ già và nuôi củ nổi, củ kẹp.
Do vậy, vào tháng 11 - 12 dương lịch hàng năm bà con cần vệ sinh vườn tre như sau:
- Phát dọn tay và cỏ dại: Phát sạch hết cỏ dại và các tay tre già trên cây mẹ từ đốt thứ 4 trở xuống (tuyệt đối không phát tay của cây mẹ mới), các tay tre trên các củ phát chừa lại 1 đến 2 đốt để hạn chế thoát nước trong vụ đông và có mắt để vụ xuân nhanh nảy chồi quang hợp lấy dinh dưỡng nuôi củ mẹ.
- Chặt cây mẹ già: Đối với các cây mẹ đã già hoặc cây mẹ không có khả năng sinh măng cần chặt bỏ để cây tập trung dinh dưỡng cho cây mẹ khác sinh măng.
- Đào củ nổi củ kẹp: Cây tre Bát Độ sau 1 năm thu hoạch, những gốc măng trong búi rất nhiều, có nhiều gốc bị kẹp và nổi trên mặt đất, nếu không đào bỏ thì mắt mầm ở vụ sau, hoặc lứa măng sau sẽ không có chỗ để phát triển, dẫn đến mắt mầm đó bị thối hoặc phát triển thành măng thì rất nhỏ, các củ nổi củ kẹp lại tiêu hao nhiều dinh dưỡng cần đào bỏ.
Khi đào nên sử dụng đúng dụng cụ chuyên dụng như (troòng bạt và búa tạ) để đào củ nổi củ kẹp. Dùng troòng bạt lưỡi troòng mỏng, sắc, nhỏ sẽ rễ ràng lách qua những khe hở nhỏ giữa hai củ đến được nút thắt, sau đó dùng búa tạ để đập vào troòng làm đứt củ cần bỏ, sẽ không ảnh hưởng đến củ bên cạnh.
Khi đào củ nổi củ kẹp có thể chọn những củ đủ tiêu chuẩn để lại làm giống.
* Lưu ý: Khi vệ sinh vườn tre tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến củ có khả năng sinh măng và cây mẹ.
3.2. Đối với vườn tre trong giai đoạn kinh doanh:
- Để cây măng mẹ cho vụ sau: Thời gian chọn măng để lại làm cây mẹ cho vụ sau tốt nhất là vào đầu đến trung tuần tháng 10 dương lịch hàng năm, để lại cây mẹ giai đoạn này không làm giảm năng suất của búi măng và chọn được cây măng như ý.
- Cách chọn cây măng để lại làm cây mẹ cho vụ sau: Tùy theo từng búi măng cụ thể mà chọn cây măng để lại cho phù hợp, đối với những búi măng to có thể để 2 - 3 hoặc 4 cây mẹ, nhưng phải tuân thủ những nguyên tắc sau: Chọn cây măng to khỏe, không bị sâu bệnh, mọc phía ngoài búi tre nhưng có khoảng cách cân đối với các cây mẹ khác trong búi, tuyệt đối cây mẹ này củ phải chìm dưới đất (không là củ nổi), không bị kẹp (có không gian để sinh măng). Trong búi măng cây mẹ không quá 3 năm tuổi.
- Cách nuôi cây măng để lại làm cây mẹ cho vụ sau: Sau khi chọn được cây măng làm cây mẹ cho vụ sau cần phải chăm sóc cho măng phát triển tốt, không bị sâu bệnh và cụt ngọn. Trong điều kiện hiện nay, nhiều diện tích tre cây mẹ để lại hay bị cụt ngọn khi cây măng có chiều cao từ 2 - 3m và còi cọc, để tránh hiện tượng này cần thực hiện những biện pháp sau:
+ Cần cắm cây làm điểm tựa cho cây măng mẹ.
+ Bón phân: 5 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg phân NPK (5-10-3) cho măng vào tháng 11 - 12 (lúc vệ sinh vườn tre). Bón phân lúc này để nuôi cây mẹ và củ mẹ cho năm sau. Khi bón cần phải đào rạch sâu 20cm cách khóm tre 20cm, trộn phân NPK và phân chuồng hoai sau đó dải đều lượng phân bón vào rãnh và lấp kín lại.
+ Bảo vệ vườn măng không để gia súc phá hại.
3.3. Đối với vườn tre trong giai đoạn kiến thiết cơ bản:
Để diện tích tre Bát Độ giai đoạn kiến thiết cơ bản sinh trưởng và phát triển tốt, cần có biện pháp quản lý bảo vệ, chăm sóc, không để gia súc phá hại gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây tre.
- Năm thứ nhất: Sau khi trồng đến tháng 9 - 10 nếu có măng chọn 1- 2 cây măng to khỏe để giữ làm cây mẹ và tuyệt đối không được tỉa cành, nhánh trên thân tre.
- Năm thứ 2:
+ Vào cuối vụ măng (tháng 9 - 10): Phát tỉa bớt những cây năm thứ nhất, chọn 1 - 2 cây măng to khỏe mọc cách đều 2 cây mẹ còn lại để làm cây mẹ cho vụ sau.
+ Vào tháng 11 - 12: Tiến hành tỉa bớt những cành, lá ở thấp, khuất trong tán, giữ lại nguyên những cây mọc năm đầu tiên. Đến vụ măng năm sau bắt đầu cho thu hoạch măng bói, các hộ cần chủ động thu hoạch măng bói. Nếu không thu hoạch măng bói sẽ làm búi tre có nhiều cây và cây nhỏ, sang năm thứ 3 sẽ cho măng nhỏ. Nên tập chung khai thác và phải để cây mẹ hợp lý và đúng thời điểm.
- Năm thứ 3:
+ Vào tháng 2-3: Tiến hành tỉa bớt những cành, lá ở thấp, khuất trong tán, giữ lại nguyên những cây mọc năm trước, và bón phân cho tre. Lượng bón: 5 kg phân chuồng hoai mục + 1 kg phân NPK (5-10-3), để vào vụ vườn tre sẽ cho nhiều măng.
+ Vào cuối vụ măng (tháng 9 - 10): Phát tỉa bớt những cây năm thứ 1, giữ lại 1 - 2 ngọn măng to khỏe mọc xa gốc, lúc này trong búi có 3 - 4 cây. Trong đó có 1 cây mẹ năm thứ nhất, 1- 2 cây mẹ năm thứ 2 và 1 cây măng năm thứ 3.
3.4. Bón phân cho vườn tre:
Bón phân bổ sung hàng năm nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây tre sinh trưởng, phát triển tốt và có dinh dưỡng để hình thành mắt mầm, nuôi măng non. Mỗi năm phải bón phân cho tre Bát Độ 2 lần.
- Lần 1: vào tháng 2-3 (dương lịch). .
Lượng bón: 5 kg phân chuồng hoai mục + 1 kg phân NPK (5-10-3)/khóm/lần.
- Lần 2: vào tháng 7 (dương lịch).
Lượng bón: 5 kg phân chuồng hoai mục + 1 kg phân NPK (12-5-10)/khóm/lần.
Trên là một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn tre Bát Độ lấy măng sau thu hoạch. Mong bà con lưu tâm áp dụng đồng bộ và đầy đủ các biện pháp kỹ thuật để vườn tre đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
4. Kỹ thuật chăm sóc để tre Bát độ ra nhiều măng
Muốn tre Bát độ ra măng nhiều và tập trung để thu hoạch vào thời điểm nhất định, bán được giá, bà con cần phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật cần thiết.
Nếu cứ để tre phát triển tự nhiên thì cây sinh trưởng thân lá mạnh, quá trình phát triển măng kém, năng suất măng thấp. Muốn măng năng suất cho cao cần có sự tác động kỹ thuật:
Thời vụ tác động từ tháng 2-9 hàng năm. Chọn những ngày nắng ráo, dùng kéo cắt cây cắt đốn toàn bộ phần thân cành và lá cách mặt đất khoảng 4m trở lên để ức chế quá trình sinh trưởng thân lá và kích thích quá trình phát triển ra nhiều măng. Đồng thời cắt tỉa những cây tre nhỏ (đường kính < 3cm) và toàn bộ cành, lá cách mặt đất 40- 50cm cho thoáng gốc, sau đó dùng cuốc xới moi hết đất xung quanh gốc (cách gốc 40-45cm) kết hợp với chặt đứt toàn bộ vùng rễ ở độ sâu 20- 25cm, để khô đất trong khoảng 10 ngày. Sau đó dùng phân tổng hợp NPK (5:10:3) Lâm Thao hay Apatít Lào Cai bón cho mỗi hốc (1-5kg) + (10-15kg) phân chuồng hoai mục (tuỳ cây nhiều hay ít tuổi, tốt hay xấu) rắc xung quanh gốc, cách tâm gốc 25-30cm, dùng đất lấp đầy vun cao vào gốc (hơn mặt đất xung quanh 20-25cm) để tạo điều kiện cho măng ra được thuận lợi, tưới ẩm cho tre, khoảng 2 tháng sau tre bắt đầu ra măng. Khi thấy măng mọc làm nứt đất, nhìn thấy đỉnh ngọn măng nhô lên khỏi mặt đất 5-10cm là lúc thu hoạch măng tốt nhất.
Chú ý: Nếu trong quá trình để khô 10 ngày (sau khi moi đất quanh gốc) mà gặp thời tiết mưa ẩm, tre ra nhiều rễ mới, bà con cần chặt đứt rễ một lần nữa (cách làm như lần đầu nhưng tịnh tiến về phía gốc 5-7cm) để thêm 5 ngày sau mới tiến hành bón thúc phân và vun cao đất vào gốc.
Phản hồi