Yếu tố đầu tiên cần chú ý trong kỹ thuật nuôi cầy hương (chồn hương) là chuồng trại. Chuồng nuôi chồn nên làm theo hướng đông nam, mái lợp ngói hoặc lá, đảm bảo thoáng mát, cao ráo, có hệ thống cửa sổ đóng – mở thuận tiện cho đông ấm, hè mát phù hợp với khí hậu Việt Nam.
1. Địa điểm xây dựng và hướng chuồng nuôi cầy hương
1.1. Địa điểm xây dựng nuôi cầy hương
Địa điểm nuôi Cầy hương cần phải đảm bảo:
+ Bằng phẳng
+ Cao ráo
+ Yên tĩnh
+ Thông thoáng
+ Cách xa khu dân cư
+ Không gần các đường quốc lộ lớn
+ Giao thông thuận tiện, đảm bảo để vận chuyển thức ăn và các sản phẩm chăn nuôi.
+ Hạn chế không cho các động vật khác tiếp xúc với cầy hương
Chuồng nuôi cầy hương cần đảm bảo có đủ nguồn nước sạch bởi nước dùng để uống, vệ sinh chuồng trại, tưới cây,…
Chuồng trại được bố trí và xây dựng trên quỹ đất hiện có của các cơ sở hoặc các trại chăn nuôi. Hiện nay, có nhiều cách thức lựa chọn khi làm chuồng nuôi Cầy hương như:
+ Làm phòng rộng
+ Xây ô chuồng
+ Làm cũi.
Chuồng có thể thiết kế đơn giản bằng cách xây tường xi măng trên một khoảng sân trống hình chữ nhật. Tường xây cao khoảng 1m bao quanh phía trên tường là lưới B40 và có cửa mở ra vào chắc chắn.Việc lựa chọn cách thức nào tùy thuộc vào các điều kiện hiện có của cơ sở gây nuôi và các hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên khi xây dựng chuồng nuôi theo kiểu nào cũng cần đảm bảo:
+ Mái lợp ngói
+ Thoáng mát
+ Hệ thống cửa sổ đóng, mở thuận lợi
+ Có quạt thông gió
1.2. Hướng chuồng nuôi cầy hương
Các khu chuồng để nuôi cầy hương làm theo hướng đông nam, đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát.
2. Kỹ thuật làm chuồng nuôi cầy hương
Tùy thuộc quy mô và số lượng nuôi. Người chăn nuôi có thể làm chuồng cho cầy hương phù hợp với diện tích, phương thức và mục đích gây nuôi. Hiện nay,
chuồng nuôi cầy được thiết kế theo 3 kiểu chuồng nuôi chính: làm phòng rộng, kiểu xây ô chuồng và làm cũi
2.1. Làm phòng rộng nuôi cầy hương
Một phòng thường nhốt chung khoảng vài chục cá thể. Loại chuồng này phù hợp với đối tượng nuôi là cầy hậu bị, hoặc cầy thương phẩm với mục đích cung cấp thịt.
Kiểu phòng rộng
Kiểu chuồng này phù hợp với nơi còn diện tích rộng, có thể tận dụng các phòng có sẵn, chuồng heo cũ hoặc làm mới.
+ Trường hợp tận dụng phòng có sẵn hoặc chuồng heo cũ, ở những nơi không thông thoáng, cần thiết mắc hệ thống quạt thông gió.
+ Trường hợp làm phòng mới, nên thiết kế hệ thống cửa và cửa sổ hướng đông nam.
Kiểu phòng rộng có sàn
Quy cách phòng nuôi Cầy hương theo cách này, nếu làm mới phải đảm bảo:
+ Tối thiểu 1 cá thể/1m2:
+ Chiều cao của phòng tối thiểu là 2m
Phòng cần phải lợp chắc chắn bằng tôn hoặc ngói, tránh khe kẽ hở vì Cầy leo trèo giỏi, có thể chui ra ngoài. Chuồng nuôi cần phải làm trần với mục đích:
+ Làm mát chuồng vào mùa nóng (đối với phòng lợp tôn)
+ Tránh việc cầy đẩy ngói chui ra ngoài (đối với phòng lợp ngói).
Kiểu phòng rộng có trần
Phòng cần xây chắc chắn, xung quanh có thể xây tường hoặc quây bằng lưới B40, nhưng mắt lưới phải nhỏ và sợi lưới lớn (đường kính sợi lưới > 2,5 mm) tránh việc Cầy cắn rách lưới hoặc có thể chui qua lưới.
Thiết kế phòng:
+ Có 1 cửa ra vào và được đặt ở giữa
+ Có 1-2 cửa sổ
+ Xung quanh chuồng đóng hệ thống giá và gác ván hoặc cây cho Cầy leo trèo. Hệ thống giá hoặc gác này được bố trí làm nhiều tầng để nhốt nhiều cá thể Cầy hương.
Yêu cầu về độ cao của tầng:
+ Tầng dưới cách mặt đất khoảng 1m để tiện cho việc dọn vệ sinh
+ Mỗi tầng cách nhau khoảng 0,5 m tùy theo chiều cao và rộng của chuồng
+ Giữa các tầng cũng cần có “cầu thang” làm bằng cành cây để cầy có thể lên, xuống dễ dàng.
Trong phòng cần bố trí một thùng gỗ để cầy đi vệ sinh. Sàn chuồng được lót bằng lưới B40 lớn và có độ dốc để giúp thoát nước và làm sạch ráo, vật liệu lót sàn dùng loại ít bám dính, láng giúp dễ dàng khi làm vệ sinh chuồng.
2.2. Xây ô chuồng nuôi cầy hương
Chuồng xây thành ô phù hợp với việc nuôi tách riêng từng cá thể hoặc từng cặp Cầy sinh sản. Tận dụng được diện tích và không gian để phát triển đàn Cầy nuôi với mục đích kinh tế.
Yêu cầu hệ thống các ô chuồng được xây phải đảm bảo:
+ Diện tích 100cm x 120cm
+ Sâu từ 60 – 70cm
Trước mỗi tầng cần có thềm rộng từ 30 – 40cm để Cầy đi lại.
Chú ý: Khi xây ô chuồng không nên thiết kế ô chuồng có diện tích quá nhỏ, làm cho cầy bị nhốt gò bó, khó hoạt động, đi lại bên trong.
Kiểu chuồng xây ô
Hệ thống ô chuồng phải được xây trong khuôn viên một phòng có tường bao hoặc có lưới B40 quây xung quanh, đảm bảo mặt sau các ô chuồng được che kín, chuồng được xây cách mặt đất tốt nhất là 1m.
Trong khuôn viên này, cần dành một phần không gian chung để:
+ Cầy nuôi có thể đi lại và làm sân chơi
+ Người nuôi dọn dẹp, vệ sinh, cho Cầy ăn, chăm sóc,
+ Trồng cỏ
Trong chuồng cần để những cành cây để Cầy leo trèo. Trong mỗi ô chuồng, cần thiết kế sàn làm nơi nằm ngủ, nên lót chỗ nằm cho Cầy bằng các vật liệu như giẻ rách, rơm khô. Thức ăn đưa vào được đặt dưới nền chuồng để tiện việc dọn rửa
Mái chuồng nên lợp bằng ngói hoặc tôn có trần để đề phòng cầy chui ra ngoài. Sàn chuồng được thiết có độ dốc và bằng lưới B40 thuận tiện cho việc vệ sinh.
2.3. Làm chuồng cũi nuôi cầy hương
Đây là cách thức đơn giản, dễ di chuyển khi thay đổi địa điểm, nhưng hạn chế về diện tích hoạt động của Cầy nuôi. Cũi thích hợp cho việc nuôi tách từ 1 - 2 cá thể, nuôi cầy con cùng lứa và dành cho Cầy sinh sản.
Cũi có thể đóng bằng tre, gỗ hoặc bằng lưới sắt; nhưng đảm bảo chuồng phải chắc chắn, tránh Cầy gặm, cắn chuồng để thoát ra ngoài. Diện tích cũi có thể rộng hẹp khác nhau tùy số lượng Cầy trong từng cũi, nhưng phải đảm bảo cho các cá thể Cầy hoạt động dễ dàng, không bị gò bó. Bên trong mỗi cũi cần bố trí các cành cây cho Cầy leo trèo.
Làm cũi hình chữ nhật cần có thể tích 1m3 :
+ Rộng 1m
+Dài 2m
+ Cao 0,5m
+ Có 4-6 chân cao 0,2m
Diện tích cũi như vậy có thể nuôi được 2-3 con/ cũi. Đáy cũi bằng lưới sắt hay tre, gỗ chắc chắn và thưa (cách nhau 7-10cm) để phân lọt xuống nền tầng, khi vệ sinh dọn phân được dễ dàng.
Cũi có thể thiết kế 1 – 2 tầng để Cầy nuôi có thể leo lên xuống. Mỗi cũi tốt nhất nuôi 1 cặp cầy.
Đối với cầy con, có thể nuôi nhốt chung một lứa cầy con trong cũi (trung
bình từ 3 – 4 con/lứa). Cũi cần thiết kế đặt cách mặt đất từ 20 – 50cm để tiện cho
việc làm vệ sinh. Sàn cũi cần lát gỗ láng, lót thưa hoặc lưới để phân và thức ăn thừa
có thể lọt xuống dưới.
Kiểu chuồng cũi
Trong chuồng có thể thiết kế giàn nhiều tầng (2-3 tầng) bằng bê tông hay tre, gỗ chắc chắn để chứa cũi nhốt cầy
+ Mỗi tầng cao 0,7-0,8m, các cũi để trên 1 tầng phải được ngăn kín bằng các bìa cattông màu để cầy hương trong 2 cũi không trông thấy nhau, nhằm phòng chống hiện tượng stress.
+Nền từng tầng được làm bằng bê tông hơi dốc (khoảng 5-60) về phía rãnh có thoát nước thải của nền chuồng.
+ Cũi được làm bằng lưới sắt B40, cửa có then cài chắc chắn, để cầy hương không chui ra được
Đối với Cầy sinh sản, nên làm cũi để tách riêng. Cũi cần phải che kín đáo và trong cũi nên làm ổ đẻ cho cầy. Ổ đẻ có thể làm bằng thùng gỗ với kích thước tối thiểu:
+ Rộng 30cm
+Dài 40cm
+ Cao 30cm.
Trong ổ lót giẻ rách sạch sẽ để ủ cầy con. Cũi cho Cầy đẻ cần đặt ở nơi kín đáo, yên tĩnh và đặc biệt tránh gió lùa. Hoặc có thể thiết kế thành các ô chuồng, nền chuồng làm bằng xi măng hoặc bằng đất và được chia làm nhiều ngăn, mỗi ngăn có diện tích 5-10m2, có lỗ trống để thoát nước dễ dàng…Mỗi ngăn thả nuôi 1 cặp cầy đực, cái
Kiểu chuồng cũi nhiều ngăn
Chú ý: Dù chọn hình thức chuồng trại nào thì cũng nên thiết kế sao cho có bóng đèn ở phía bên trên, vì ánh sáng đèn lại giúp thu hút côn trùng trong tự nhiên tập trung; đây là nguồn thức ăn vô cùng hữu ích cho Cầy mà người chăn nuôi khó có thể cung cấp được (thời gian chiếu sáng chỉ khoảng 30 phút mỗi tối).
Xem tiếp: Kỹ thuật nuôi cầy hương (chồn hương): Lựa chọn cầy hương giống
Nguồn: Chương trình đào tạo nghề của Bộ NNPTNT
Phản hồi