Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tốc độ sinh trưởng cũng làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Để hạn chế những bất lợi do nắng nóng gây ra, cần có biện pháp chăm sóc để đàn vật nuôi khỏe mạnh.
Người chăn nuôi cần tăng cường dự trữ thức ăn thô xanh; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi vào mùa nắng nóng.
Theo ngành chăn nuôi, khi thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ làm cho vật nuôi giảm sức đề kháng, một số trường hợp dẫn đến rối loạn về khả năng điều hòa thân nhiệt, tuần hoàn, hô hấp và tiêu hóa thức ăn.
Đây là một trong những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức sản xuất của vật nuôi. Do đó, để bảo vệ đàn vật nuôi trong giai đoạn thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, người chăn nuôi cũng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp.
Đang cho 4 con bò ăn cỏ tươi, chú Nguyễn Văn Thượng (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Nắng nóng, bò rất dễ bị mất sức nếu chăm sóc không tốt. Do đó, tôi tăng cường cho bò ăn thức ăn xanh như rau cỏ tươi, vitamin C, tăng cường chất đạm, giảm tinh bột trong khẩu phần ăn của bò. Tôi cũng giữ chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, lúc trời nắng nóng, phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Đồng thời, cho bò uống đủ nước, tắm cho bò 2 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể”.
Nuôi hơn 1.000 con gà, chị Lê Thị Diễm (xã Tân Quới Trung, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Chuồng gà của tôi có hệ thống làm mát, khi chạy tối đa công suất theo thiết kế, nhiệt độ chuồng nuôi có thể giảm được 5-70C so với nhiệt độ bên ngoài, nên gia cầm ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường. Tôi cũng cho gà ăn sớm, ăn xong treo máng ăn lên cho thoáng chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ chuồng nuôi”.
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), hiện đang bước vào giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt, nền nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Để chủ động phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các biện pháp phòng, chống để hạn chế tình trạng “sốc nhiệt” trên đàn gia súc, gia cầm.
Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cho biết: Nắng nóng sẽ khiến vật nuôi dễ bị mất sức, lừ đừ, không ăn thức ăn nhiều, dẫn đến thiếu chất, thiếu dinh dưỡng. Từ đó, khiến vật nuôi hấp thụ thức ăn giảm, dễ bị mầm bệnh tấn công, gây ảnh hưởng đến việc tăng trưởng của vật nuôi lấy thịt, khiến vật nuôi lấy sữa dễ bị mất sữa, hoặc có thể gây khó đậu thai, sẩy thai trên gia súc.
Theo ông Lê Thanh Tùng, để hạn chế thiệt hại do thời tiết nắng nóng gây ra trên gia súc, gia cầm, đối với vật nuôi thả, người chăn nuôi không để vật nuôi tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng (như bò, vịt thả đồng, gà thả vườn), phải cho vật nuôi vào bóng mát.
Đối với vật nuôi trong chuồng phải bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, có thể phun nước trên mái chuồng nuôi và nền để làm giảm nhiệt độ trong khung giờ từ 12-16 giờ.
Bên cạnh đó, phải cung cấp nước nhiều, nước sạch, cung cấp thêm vitamin, chất điện giải, men tiêu hóa cho vật nuôi để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, phải cung cấp đủ thức ăn và thức ăn phải ngon, dễ tiêu để vật nuôi dễ hấp thụ. Song song đó, cần chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, dự báo thời tiết nắng nóng còn tiếp tục xảy ra. Chính vì vậy, các hộ chăn nuôi cần có kế hoạch, chủ động bố trí các giải pháp chống nóng phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế, nhằm giúp cho việc chăn nuôi được thuận lợi, đảm bảo được sức sản xuất cũng như khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi một cách tốt nhất.
• Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Nguồn: Báo Vĩnh Long
Phản hồi