Nhiều nông dân xã Tân An (TX. Tân Châu – An Giang) đã thực hiện mô hình nuôi lươn trong bồn ủ bằng cây bắp (ngô) khô, thu lợi nhuận cao, góp phần cải thiện đời sống.
Nuôi lươn trong bồn ủ bằng cây bắp (ngô) khô thu năng suất, lợi nhuận cao. Ảnh minh họa
Nông dân tỉnh An Giang có cách nuôi lươn không cần bùn, lươn mau lớn, ít bệnh tật, hiệu quả kinh tế cao. Bà con xây bồn nuôi lươn bằng xi măng hoặc dùng bạt ni lông trải xuống đất tạo thành hồ rộng chục mét vuông, sâu 1 – 1,3 m, chứa nước 0,2 – 0,3 m, có ống dẫn nước vào và thoát nước ra để thay nước hằng ngày, đảm bảo vệ sinh.
Vì giống lươn không ưa ánh sáng nên bà con nông dân dùng rơm, cây chuối mục, các loại rau sống ở nước như rau mác, rau dừa, lục bình, thậm chí là sợi ni lông để tạo bóng tối. Gần đây, bà con huyện Tân Châu (An Giang) còn ủ bằng cây bắp (ngô) khô vốn đang được trồng nhiều ở xứ này, báo Tiền Phong đưa tin.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An (Châu Thành) Thiều Văn Cách cho biết, nhiều gia đình nuôi lươn đã thoát nghèo. Gia đình ông Trịnh Minh Tiến Anh có 5 bồn nuôi lươn, cho biết, mỗi mét vuông thả một ki-lô-gam lươn giống (khoảng 50-60 con), sau 6-8 tháng thu hoạch, lãi hơn 15 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn trong bồn bê-tông ủ bằng cây bắp khô, anh Tiến Anh cho biết: “Lươn là loài không ưa ánh sáng nên người nuôi có thể bỏ đất hoặc độn thêm rơm, cây chuối mục vào bồn để tạo môi trường tốt. Ngoài ra, có thể cho lục bình vào để tạo bóng râm trong bồn, tránh được sự thay đổi môi trường đột ngột. Ở đây, chúng tôi chọn cây bắp khô để đặt vào bồn vì giá rẻ và dễ mua. Mực nước trong bồn nuôi phải đạt từ 2- 3 tấc, mực nước sâu quá sẽ ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của lươn”.
Cũng theo anh Tiến Anh, với diện tích 1m2, anh thả khoảng 50 con lươn giống và cần phải trải qua quá trình thuần hóa để lươn quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7 – 10 ngày đầu, cho lươn ăn giun đất vào buổi tối, sau đó từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn. Khi nuôi được một tháng thì mỗi ngày cho lươn ăn một lần lúc 17- 18 giờ.
Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá đồng, ốc bươu vàng, cua hoặc cá mua về xay ra cho ăn. Ngoài ra, anh còn trộn thêm men tiêu hóa và vitamin C vào thức ăn để lươn không bị bệnh, hạn chế hao hụt. Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, thức ăn dư trong bồn từ 1- 2 giờ nên vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước.
Mỗi ngày, phải thay nước một lần để đảm bảo nước luôn sạch thì lươn mới phát triển tốt, khoảng 6 – 8 tháng là có thể bán được. Với cách nuôi này, đợt rồi, anh Tiến Anh bán hai bồn lươn, trừ chi phí, thu lãi khoảng 15 triệu đồng, theo thông tin từ báo Kinh tế Nông thôn.
Theo VietQ
Phản hồi