Cua đá khỏe, dễ nuôi, năng suất cao, ít dịch bệnh nên người nuôi không cần phải tốn nhiều kinh phí đầu tư và ít tốn công chăm sóc. Hiệu quả từ mô hình nuôi cua đá đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân đảo Phú Quý.
Ông Nguyễn Ngọc Phi ở thôn Triều Dương xã Tam Thanh đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi cua đá. Ông dùng tôn xi măng dựng thành vòng khép kín trên 300 m2 đất, dùng lưới bao xung quanh để cua không thoát ra ngoài. Trên diện tích này, ông thả 1.000 con cua giống mua từ đảo Hòn Tranh với giá 3.000 đồng/con.
Cua đá rất dễ nuôi, điều kiện chủ yếu là đất nuôi phải có độ ẩm, nhiều hang đá và rác khô để cho cua ẩn nấp, thức ăn của chúng là các loại rau xanh, chuối cây băm nhỏ hoặc ruột trái dừa khô nạo nhỏ. Đặc biệt trong thời kỳ cua mang trứng thì phải thường xuyên tưới nước đảm bảo độ ẩm để cua sinh sản hiệu quả, cho năng suất cao.
Cua đá được người tiêu dùng ưa thích vì vị ngon đặc biệt. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Ngọc Phi – người dân nuôi cua đá xã Tam Thanh cho biết: “Từ lúc nuôi đến giờ chưa thấy loài cua này bị bệnh tật gì, khâu chăm sóc cũng không mất nhiều thời gian, cua này có sức sống mạnh, thích hợp cho những gia đình nuôi mà có nguồn vốn ít”.
Cua đá thường sinh sản từ tháng 6 đến tháng 9. Trong mùa sinh sản con cái thường di chuyển đến những nơi có nước để đẻ trứng. Từ tháng 10 đến tháng 12 , cua lột xác trong hang, theo thông tin từ Cổng TTĐT huyện Phú Quý.
Cua đá khỏe, dễ nuôi, ít dịch bệnh nên người nuôi không cần phải tốn nhiều kinh phí để đầu tư chuồng trại, mua thức ăn và ít tốn công chăm sóc. Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi cua đá đang mở ra thêm một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Phú Quý.
Bên cạnh đó, bộ môn kỹ thuật nuôi hải sản – Khoa Thủy sản- Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu ương nuôi thành công ấu trùng cua đá ( Myomenippe hardwickii) cho năng suất cao. Cua cái có khối lượng trung bình 120 -150 g, đã mang trứng từ tự nhiên được chọn để nghiên cứu sản xuất giống.
Trứng cua sau khi cho nở thành ấu trùng được ương trong hệ thống nước xanh. Sau 25- 27 ngày ương nuôi, ấu trùng trải qua 5 giai đoạn Zoae và 1 giai đoạn Megalopa và chuyển thành cua con với kích cở cua đầu tiên ( cua 1) khoảng 2,5- 3mm. Tỷ lệ sống từ ấu trùng đến giai đoạn cua 1 khá tốt, đạt 4- 14%.
Cua đá loài đặc sản vùng ven biển và có giá trị kinh tế cao. Cua đá sống chủ yếu trong các hốc cây, hốc đá ở vùng rừng ngập mặn, vùng nước lợ mặn ven biển hay các đảo. Cua phân bố phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Vùng ĐBSCL, cua đá phân bố và được khai thác nhiều ở Kiên Giang và Cà Mau. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về sản xuất giống và nuôi loài cua đá này.
Với thành công này, Bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản đang tiếp tục nghiên cứu để xây dựng qui trình sản xuất giống cua đá, góp phần phát triển mô hình nuôi cua đá thương phẩm, giúp đa dạng hóa nghề nuôi thủy sản, theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông TP. HCM.
Phản hồi