Những năm gần đây, tại ĐBSCL đang phát triển mô hình nuôi chồn hương rất mạnh, đây là động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, nuôi trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi chồn hương ít tốn chi phí, sản phẩm đầu ra lại bán giá cao và hút hàng nên người nuôi có thể đạt được lợi nhuận tốt, đặc biệt nuôi chồn cho sinh sản và bán con giống đang được các ngành chức năng khuyến khích.
Thời gian qua, giá chồn hương giống ở mức từ 5 – 11 triệu đồng/con (tùy lớn nhỏ, con cái hay con đực). Còn chồn thương phẩm bán thịt cũng có giá rất cao, với giá thịt hơi nhiều thời điểm ở mức từ 1,5 – 2,2 triệu đồng/kg, thậm chí cao hơn. Nuôi chồn hương không đòi hỏi phải có diện tích đất lớn. Người nuôi có thể mua các tấm lưới kẽm có bán sẵn trên thị trường để làm chuồng hoặc đặt thợ làm. Thức ăn để phục vụ chăn nuôi cũng dễ tìm và có chi phí tương đối thấp nhờ có thể tận dụng các loại trái cây và cá giá rẻ để làm thức ăn cho chồn hương.
Mô hình nuôi chồn hương ít tốn chi phí, sản phẩm đầu ra lại bán giá cao và hút hàng nên người nuôi có thể đạt được lợi nhuận tốt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Chồn hương vốn là loài động vật hoang, nên thịt chồn hương chế biến được nhiều món ăn đặc sản ngon, thịt ngọt và mềm nên được thực khách ưa chuộng. Ðây là loài vật nuôi không chỉ để làm thực phẩm, dược phẩm mà còn phục vụ cho một số hoạt động sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra giá trị gia tăng cao, đặc biệt là sản xuất cà phê chồn.
Anh Trần Quốc Khánh ở ấp Thới Thạnh, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) là một trong những hộ tiên phong nuôi chồn hương trong chuồng với số lượng gần 50 con lớn nhỏ. Bình quân mỗi năm anh Khánh có thu nhập gần 300 triệu đồng nhờ bán con giống và chồn thương phẩm.
Riêng mô hình của anh Khánh, do không có đất rộng nên tận dụng mặt ao nuôi cá bên hông nhà để xây nhà sàn làm chuồng nuôi chồn.
Anh Khánh chia sẻ: Chuồng nuôi chồn hương làm bằng gỗ, xung quanh bao lưới, phía trên lợp tôn. Lưu ý, diện tích chuồng phải rộng, thoáng mát giúp cho chồn bố mẹ vận động, càng vận động chồn càng khỏe, đẻ nhiều. Phía trong chuồng để một cục đất, giúp chồn cảm thấy thoải mái như đang sống ở ngoài môi trường tự nhiên.
Hiện tại, mô hình nuôi chồn của anh Khanh mỗi ngày chỉ tốn khoảng 100.000 đồng tiền thức ăn và mất khoảng 30 phút vệ sinh chuồng. Mỗi ngày chỉ cần cho chồn ăn 1 lần vào buổi sáng, thức ăn phổ biến là cá và trái cây.
Cách đó không xa, hộ ông Trần Văn Vui ở cùng ấp Thới Thạnh, xã Giai Xuân mới vào nghề nuôi chồn hương khoảng 2,5 năm nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ hộ nghèo nay đã thoát nghèo, nuôi con cái đi học nhờ mô hình nuôi chồn hương thương phẩm và bán giống.
Chồn hương nuôi từ nhỏ đến 9 – 11 tháng tuổi và đạt trọng lượng theo yêu cầu (khoảng 4 – 5kg) là có thể bắt đầu phối giống cho sinh sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Trần Văn Vui bộc bạch: “Hiện nay, tính cả đực lẫn cái, chuồng nuôi của tôi có 12 con. So sánh với các mô hình chăn nuôi khác, tôi nhận thấy mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nếu biết cách chăm sóc, chồn hương có thể sinh sản 3 lứa mỗi năm. Trung bình mỗi con chồn hương mang lại thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm. Nuôi chồn hương không chỉ ít tốn diện tích nuôi lại nhẹ công chăm sóc. Ngoài nuôi chồn, tôi còn tranh thủ làm phụ hồ để tăng thu nhập”.
Theo người nuôi, chồn hương có tuổi đời hơn 10 năm tuổi. Chồn hương nuôi từ nhỏ đến 9 – 11 tháng tuổi và đạt trọng lượng theo yêu cầu (khoảng 4 – 5kg) là có thể bắt đầu phối giống cho sinh sản. Chồn mang bầu trong thời gian 2 tháng và thời gian nuôi con cũng khoảng từ 2 tháng. Do vậy, mỗi năm chồn hương có thể đẻ được 2 – 3 lứa và mỗi lứa đẻ từ 2 – 4 con, thậm chí có trường hợp 5 – 6 con. Chồn hương sau khi sinh được từ 2 tháng trở lên có thể xuất bán chồn giống (chồn con). Chồn nuôi từ 6 – 7 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng từ 2,8 – 3,5kg/con.
Khuyến cáo của ngành chuyên môn, để nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao hướng bán thịt và cho sinh sản, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chồn hương để áp dụng các kỹ thuật phối giống, chăm sóc con.
Chồn hương thích sống riêng lẻ nên cần làm chuồng riêng cho từng con và chỉ nhốt chung chồn đực và chốn cái để phối giống trong thời gian ngắn khi chồn hương cái có các biểu hiện lên giống. Ðặc biệt, chồn con sau khi sinh chưa mở mắt và cần bú sữa, do vậy cần phải quan tâm chăm sóc đặc biệt cho chúng, đảm bảo giữ ấm và bổ sung, cung cấp đầy đủ sữa…
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Phản hồi