Bỏ việc nhà nước với đồng lương ít ỏi, anh Phạm Hữu Phương (36 tuổi, trú xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) phát triển kinh tế bằng cách nuôi các con đặc sản mang lại hiểu quả kinh tế cao.
Anh Phương tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử của Đại học Phú Xuân (Huế) năm 2011. Sau khi ra trường, anh về công tác tại Đảng ủy xã Cam Nghĩa.
Sau gần 8 năm làm việc nhà nước, anh quyết định nghỉ việc về nhà mở trang trại phát triển kinh tế nông nghiệp.
Việc anh bỏ công việc nhà nước nhàn hạ để về cuốc đất trồng cây, quây chuồng chăn nuôi khiến có không ít người cho là “gàn dở”.
Anh Phạm Hữu Phương (xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chăm sóc đàn gà Cùa hàng nghìn con tại trang trại của mình. Ảnh: NVCC.
Anh Phương kể: “Nhận thấy địa thế đất đai phù hợp với việc chăn nuôi một số loài động vật cho giá trị kinh tế cao, tôi cất công tìm hiểu, học hỏi. Sau đó, tôi đầu tư chăn nuôi chồn hương, thỏ, dúi”.
Năm đầu tiên khởi nghiệp từ mô hình này, anh Phương đã thu lãi được hơn 50 triệu đồng.
Nắm bắt xu thế thị trường, anh phát triển mô hình chăn nuôi của mình theo hướng tạo ra các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ để cung ứng cho người tiêu dùng.
Trong quá trình chăn nuôi, anh dùng nguồn thức ăn như lúa, cám, bột cá…, tất cả đều là nguyên liệu sạch, được xay trộn và ủ bằng men tự nhiên.
“Để tạo ra men ủ thức ăn chăn nuôi hữu cơ, tôi dùng một số dược liệu như cà gai leo, chè vằng, cỏ xước, cây hoàng ngọc… . Đây là các loài dược liệu có sẵn ở địa phương”, anh Phương tiết lộ.
Khi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ gà Cùa trên thị trường ngày càng cao, anh quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi để nuôi loại gà này. Thời gian đầu anh nuôi thử 2-3 trăm con, sau đó mở rộng quy mô lên đến hàng nghìn con.
Đàn lợn rừng tại trang trại của anh Phạm Hữu Phương. Ảnh: NVCC.
Với phương pháp nuôi gà hữu cơ, chăn thả thuận tự nhiên, những con gà Cùa của anh Phương thịt có hương vị rất đặc trưng.
Tiếp đó anh thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gà Cùa. Các hộ dân tham gia tổ hợp tác được ạnh cung cấp giống và được hướng dẫn chăn nuôi theo quy chuẩn, đảm bảo gà có chất lượng thịt cao nhất.
Bên cạnh bán gà giống, hiện mỗi năm anh xuất bán hơn 5.000 con gà Cùa thịt với giá trung bình khoảng 150.000 đồng/kg.
Sau gà Cùa, anh chăn nuôi thêm lợn rừng. Hiện anh đang nuôi hơn 100 con lợn rừng. Anh cũng cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng cho người dân và thu mua lại lợn thịt để bán ra thị trường.
Theo anh Phương, vì chăn nuôi theo hình thức hữu cơ nên các sản phẩm chăn nuôi của anh cung ứng ra thị trường giá bán cao hơn so với các sản phẩm nuôi theo truyền thống. Thời gian đầu anh phải đi từng nhà hàng, khách sạn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình. Sau khi chiếm được lòng tin của khách hàng, các sản phẩm chăn nuôi của anh ngày càng được tiêu thụ rộng rãi.
Đoàn khách đua xe đạp tham quan trang trại của anh Phạm Hữu Phương (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát)- Ảnh: NVCC.
Hiện tại anh Phương đang cung cấp thịt gà Cùa, lợn rừng cho nhiều nhà hàng, khách sạn ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn…
Ngoài ra, đối tượng khách hàng của anh còn là những gia đình có kinh tế khá giả. Thịt gà Cùa do trang trại anh chăn nuôi đã được cấp bản quyền với thương hiệu “Gà Cùa Phương Gia Trang”.
Trang trại của anh cũng nằm trong chuỗi cung ứng gà sạch do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị quản lý.
Anh Phương cũng đã phối hợp với Công ty Thương mại Quảng Trị tổ chức tour du lịch trải nghiệm các mô hình nông nghiệp, tham quan cảnh quan địa phương. Gia đình anh kinh doanh thêm dịch vụ homestay mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Từ ý tưởng phát triển chăn nuôi ít người nghĩ tới, sau 3 năm, anh Phương đã tạo ra cơ ngơi đáng nể. Anh đã thu hồi được nguồn vốn đầu tư tiền tỷ và hiện hàng tháng anh thu về khoản lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Mô hình làm giàu của anh cũng đã và đang mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện Cam Lộ cũng như tỉnh Quảng Trị.
Nguồn: Dân Việt
Phản hồi