
Trồng trôm trên đất cằn
Đến thăm vườn trôm đang vào kỳ thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Tiến Tuất trên vùng đất vốn khô cằn ở Suối Bang, xã Thắng Hải – Hàm Tân, mới thấy rõ thành quả ý chí và sự năng động của nông dân thời đại nông thôn mới.
Ảnh minh họa
Vùng Suối Bang quanh năm nắng gắt, khô cằn đến nỗi nhiều năm phải bỏ hoang hóa. Thế mà, nông dân Nguyễn Tiến Tuất đã biến mảnh đất 1 ha này thành vườn cây xanh, mang về thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Đất cằn, nhưng trôm lại sống tốt. Nhìn khu vườn với 1.600 gốc trôm đang mạnh mẽ vươn mình tỏa tán, anh Tiết không dám tin quyết định mạnh dạn ngày nào của mình giờ mang lại hiệu quả kinh tế cao bất ngờ. Những dòng mủ trôm trắng tươm mỗi ngày mang về cho gia đình anh vài trăm ngàn đồng. Mủ trôm là bài thuốc dân gian, ngoài tác dụng giải nhiệt, mủ trôm còn giúp chữa bệnh tiêu hóa và ổn định về đường huyết, thế nên nhiều người mua về dùng.
Qua 2 năm chăm sóc, cây đến độ tuổi khai thác, anh Tiết dùng máy khoan 6 lỗ tròn nhỏ ở phần da cây, từ những vết này, mủ trôm như giọt nước thuần khiết tiết ra ngoài quánh đặc dần, 10 ngày sau, nhà vườn bắt đầu thu gom mủ. Sau khi thu mủ trôm về, chị Nguyễn Thị Tường Vy – vợ anh Tiết lại chăm chút gọt đẽo và tẩy sạch bụi bám cho từng viên mủ trôm. Mủ trôm được giá bình quân 150.000 đồng/kg nên gia đình anh Tiết có nguồn thu nhập ổn định..
Thông thường, chu kỳ thu hoạch mủ trôm khoảng 20 ngày. Và cứ 15 ngày, anh Tiết xoay vòng khoan lỗ. Canh tác đơn giản, trồng trôm còn có mức đầu tư thấp, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không tưới nước nên nhiều nhà vườn nơi đây bắt đầu học theo gia đình anh Tiết thực hiện mô hình trồng trôm.