
Chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ giảm ô nhiễm môi trường
Chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ giảm ô nhiễm môi trường
Rơm rạ là một trong những phế thải nông nghiệp có rất ít giá trị sử dụng: một phần được dùng làm thức ăn cho trâu bò, một phần được chế biến làm phân bón vi sinh, còn phần lớn bị đốt bỏ ngay trên cánh đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Nếu tận dụng được nguồn rơm rạ này để sản xuất phân bón sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn về nhiều mặt.
Phần lớn rơm rạ bị đốt bỏ ngay trên cánh đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, 70% dân số làm nông nghiệp và lúa là cây trồng chính, do vậy lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Trước đây, nông dân sử dụng toàn bộ rơm rạ làm chất đốt, làm thức ăn cho gia súc và một phần nhỏ làm phân bón. Hiện nay, sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa, người dân không sử dụng rơm rạ như trước nữa, khoảng 60% khối lượng rơm rạ bị đốt ngay sau khi thu hoạch, 35% được vùi tươi tại chỗ, 5% được sử dụng làm chất đốt, làm thức ăn gia súc, làm phân bón và trồng nấm.
Rơm rạ bị đốt cháy vừa lãng phí nguồn năng lượng lớn, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các chất hữu cơ trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng lớn nước bị bốc hơi. Quá trình đốt rơm rạ ngoài trời không kiểm soát được lượng dioxid carbon (CO2) cùng với CO, CH4, NO2, SO2,… các khí trên đều rất có hại cho sức khỏe con người và làm tăng mức thải khí nhà kính vào bầu khí quyển.
Rơm rạ được vùi lại trong đất không những không phát huy tác dụng tốt mà còn ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây lúa trong vụ tiếp sau đó do thời gian đất nghỉ giữa hai vụ lúa là rất ngắn, chỉ khoảng từ 7 – 20 ngày tùy theo mỗi vùng sinh thái. Trong trường hợp này, rơm rạ không kịp phân hủy để cung cấp dinh dưỡng cho cây mà trái lại, sự phân hủy hữu cơ không triệt để còn làm cho cây lúa non bị ngộ độc sau khi cấy hoặc sạ. Cây lúa bị ngộ độc hữu cơ do quá trình phân hủy rơm rạ kéo dài sau khi vùi, thường sinh trưởng kém, dễ mắc bệnh vàng lá sinh lý. Nếu người dân không có biện pháp khắc phục hiện tượng nêu trên thì năng suất lúa sẽ bị giảm mạnh.
Sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường đang là mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp nói chung và người nông dân nói riêng. Một trong những biện pháp hữu hiệu để sản xuất nông nghiệp sạch là ứng dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm thay thế các hoá chất bảo vệ thực vật và các loại phân hoá học có tác động xấu đến môi trường.
Theo nhận định của các nhà khoa học, sau mỗi vụ thu hoạch 1ha lúa sẽ thu được 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất đi hơn 5,5 triệu đồng, trong khi cùng khối lượng rơm rạ ấy nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ.
Phương pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất được tiến hành dựa trên nguyên tắc bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải nhanh và triệt để rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng, là sản phẩm tuyệt đối an toàn với người và động vật.
Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (khoảng 46 triệu tấn) được xử lý sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học (NPK) là 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy, sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng.
Bên cạnh lợi ích kinh tế đem lại, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thành phân ủ hữu cơ bón cho cây trồng sẽ tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch nhằm bổ sung phân hữu cơ tại chỗ, tiết kiệm chi phí và tạo thói quen cho người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường, tăng độ phì cho đất và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã nghiên cứu và chế tạo thành công chế phẩm Compost Maker; Trichoderma, là chế phẩm vi sinh ứng dụng trong phân hủy chất hữu cơ tại chỗ được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật và cho phép áp dụng trong sản xuất. Compost Maker thích hợp nhất cho xử lý trong điều kiện không ngập nước. Trichoderma sp. thích hợp với xử lý trong điều kiện ngập nước.
Chế phẩm đã được triển khai và thực hiện ở 12 tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kiên Giang, Cần Thơ với 18 mô hình, quy mô 360 ha. Qua kết quả tổng kết đánh giá mô hình xử lý rơm rạ tại các điểm trình diễn ở các địa phương, các cán bộ khuyến nông và các hộ tham gia đều đánh giá mô hình có hiệu quả rất tốt. Năng suất thu hoạch lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng tăng trung bình 10,17% (trong đó năng suất lúa ở Hải Dương và Bắc Ninh tăng cao nhất đạt trên 25%); ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng trung bình 12,64%. Năng suất đậu tương đông tăng 15,1% (trong đó Hà Nội là cao nhất 23,2%). Năng suất mô hình lạc tăng 16,3%, năng suất khoai tây đông tăng 14,8%.
Tại Hải Dương, giai đoạn 2011-2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã xây dựng đề án khung tổ chức xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp.
Chế phẩm sinh học được sử dụng phổ biến nhất là Fito-Biomix-RR do Công ty cổ phần công nghệ sinh học Hà Nội sản xuất đã được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số HI-2010 của Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ.
Sau 1 năm thực hiện tại 124 xã thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, phương pháp trên đã thu được kết quả khả quan. Sau 35-40 ngày rơm, rạ cơ bản đã phân hủy thành phân hữu cơ có chất lượng tốt, sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng hoa màu, có nơi lên đến 3%. Một số địa phương thực hiện có hiệu quả cao như Tân An – Thanh Hà, Thái Hòa – Bình Giang, Lê Hồng – Thanh Miện…
Thái Bình hiện có khoảng 77.090 ha gieo cấy lúa, cùng với đó lượng rơm rạ sau thu hoạch khoảng 462.000 tấn. Từ năm 2007 đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tiến hành tổ chức thử nghiệm mô hình xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số xã trên địa bàn tỉnh.
Tại xã Trọng Quan, 60 hộ đã thực hiện thí điểm mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ bằng hình thức đống ủ. Kết quả, lượng rơm, rạ sau khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học giúp cây khoai tây phát triển, ra rễ hình thành tia củ nhanh hơn, thân và lá to, khỏe, sức sinh trưởng tốt; giảm tỷ lệ bệnh; tỷ lệ củ to nhiều, hình thức củ đẹp; năng suất cao hơn đến 20%, tiết kiệm chi phí, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với dùng các loại phân hữu cơ vi sinh khác.
Tại xã Ðông Hoàng được hỗ trợ sử dụng chế phẩm sinh học tại 3 thôn Thái Hòa 1, Thái Hòa 2 và Tống Khê bằng hình thức cày vận rạ trên 8 ha diện tích. Sau khi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ giúp cho cây lúa vụ sau phát triển tốt, lá to, bản rộng, màu xanh đậm cứng, chiều cao cây lúa phát triển hơn so với ruộng không được xử lý chế phẩm sinh học từ 3 – 5 cm, độ chống chịu sâu bệnh của cây lúa cũng tốt hơn. Bông dài và mẩy, năng suất lúa cao hơn diện tích không sử dụng chế phẩm từ 10 – 15%. Ðặc biệt ở những chân ruộng chua, đất nhanh bạc màu làm cây lúa sinh trưởng chậm, đẻ ít, sau khi sử dụng chế phẩm sinh học, độ phì cho đất tăng cây lúa cao, đẻ nhiều.
Từ hiệu quả của việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, tại một số địa phương như Lô Giang, Thăng Long (Ðông Hưng); Bắc Hải, Nam Cường (Tiền Hải)… bà con nông dân đã tự bỏ tiền ra mua chế phẩm để xử lý rơm rạ. Ðiều đó cho thấy bước đầu người dân đã nhận thức được hiệu quả thực tế mà chế phẩm mang lại.
Quảng Ninh hiện có diện tích gieo cấy lúa cả năm ước đạt 47 nghìn ha, với khoảng trên 4,7 triệu tấn rơm rạ khô mỗi năm. Năm 2015, Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Ninh đã đầu tư mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học AT-YTB để xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại thị xã Đông Triều và Quảng Yên (2 vùng trồng lúa lớn nhất của tỉnh) với tổng số 828 hộ tham gia.
Chế phẩm AT-YTB do Đại học Y Thái Bình nghiên cứu và đã được ứng dụng tại nhiều địa phương thành công. Đánh giá hiệu quả kinh tế cho thấy sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB xử lý rơm rạ cây lúa sinh trưởng tốt, giảm số lần phun trừ sâu bệnh, tăng năng suất so với đối chứng từ 10 – 20 kg/sào, cho lãi cao hơn diện tích không xử lý khoảng 70.000 đồng/sào (1.5 triệu đồng/ha). Mặt khác, theo khuyến cáo của nhà sản xuất nếu sử dụng liên tục trong nhiều vụ liên tiếp sẽ giảm được 15- 30 % lượng phân bón cho cây trồng do lượng phân bón đó đã được bổ sung từ nguồn phân hữu cơ do rơm rạ phân hủy tạo thành.
Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý các phế thải từ nông nghiệp được coi là hướng đi đúng, góp phần đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn sản phẩm và hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường. Khi có phân bón hữu cơ được tạo ra từ chính rơm rạ sau thu hoạch người nông dân sẽ không phải bỏ tiền mua phân hóa học giúp giảm thiểu ô nhiễm ruộng đồng. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp bà con nông dân hiểu rõ hơn về tác dụng của việc dùng chế phẩm sinh học vào xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.
Hữu Minh