Môi trường biến động khó lường tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và lây lan, để giảm thiểu tối đa thiệt hại đòi hỏi phải chủ động trong từng đường đi nước bước.
Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, do đó phải chủ động trong công tác ứng phó dịch bệnh.
Nghệ An là tỉnh trung tâm khu vực Bắc Trung bộ với diện tích lớn nhất cả nước, là điểm nối của những tuyến đường huyết mạch (quốc lộ Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 1A, đường tàu Bắc Nam), địa hình được phân chia thành 3 vùng riêng biệt (miền núi, miền biển và đồng bằng). Những lợi thế đó cũng đặt ra nhiều áp lực, thách thức cho ngành chăn nuôi của địa phương này, đặc biệt là công tác quản lý dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi.
Xuất phát từ điều kiện đặc thù, kết hợp định hướng phát triển chung, Nghệ An đã từng bước vươn mình lên trở thành một trong những tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về tổng đàn chăn nuôi (gia súc, gia cầm và thủy sản).
Tuy nhiên với hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chủ yếu, người nuôi chưa thực sự tuân thủ triệt để quy trình hướng dẫn kỹ thuật và quy định đặt ra nên rủi ro luôn thường trực. Trong bối cảnh kinh phí triển khai chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, vai trò của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã được thể hiện đậm nét, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Môi trường nuôi thủy sản không ổn định, nếu lơ là sẽ gia tăng mức độ rủi ro.
Theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn, từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh phát sinh một số ổ dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, dại chó, bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính và vi bào tử trùng tại các hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Trước diễn biến trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kịp thời nắm bắt chặt chẽ để tham mưu hiệu quả cho UBND tỉnh Nghệ An và Sở NN-PTNT, đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền cấp huyện trong việc tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp chống dịch. Nhờ đó đã xử lý nhanh các loại dịch bệnh, kịp thời khống chế không để lây lan ra diện rộng.
Mọi thứ ngỡ giản đơn nhưng thực chất không hẳn như vậy, để quán xuyến hiệu quả, trên hết là hạn chế tối đa thiệt hại, rủi ro cho nông dân và doanh nghiệp đòi hỏi các cấp ngành liên quan phải nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, theo hướng cầm tay chỉ việc.
Lấy lĩnh vực thủy sản làm lát cắt, với chiều dài bờ biển trên 82km cùng diện tích vùng biển hơn 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển lại có đến 6 cửa lạch, Nghệ An đã tận dụng lợi thế này để nhân rộng quy mô nuôi trồng thủy sản lên hàng chục ngàn ha, trải khắp vùng bãi ngang thuộc thị xã Hoàng Mai, kéo dài đến các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Trong đó con tôm đóng vai trò chủ lực, thể hiện qua hơn 2.300ha đã hình thành.
Sự chủ động, sâu sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An góp phần quan trọng phát triển kinh tế từ thủy sản. Ảnh: Việt Khánh.
Đành rằng con tôm cho hiệu quả kinh tế vượt trội, có thể giúp người nuôi đổi đời chóng vánh, nhưng đó là khi tất cả đều xuôi chèo mát mái. Hiện nay thời thế xoay vần nghề này đang đối diện với muôn vàn lực cản, từ con giống kém chất lượng đến môi trường nuôi bị bức tử nặng nề, vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh không ngừng phát sinh (đốm trắng, hoại tử gan tụy, hồng thân…)
Đây đều là những bệnh rất nguy hiểm, khó phòng trừ và lây lan nhanh, nếu phát hiện muộn thì của nả trôi sông đổ biển trong giây lát. Để đạt hiệu quả tối đa nhất đòi hỏi phải chủ động trong từng đường đi nước bước, giữa các bên phải có sự kết nối chặt chẽ, nhuần nhuyễn.
Với Chi cục Chăn nuôi và Thú y là đơn vị trung gian, là chiếc cầu nối gắn kết hữu hiệu, quá trình kiểm soát dịch bệnh thủy sản, đặc biệt là tôm nuôi tại Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua diện tích nhiễm bệnh năm 2023 chỉ khoảng 100ha, thuộc địa phận thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu.
Trong quý III/2023 Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và người chăn nuôi triển khai công tác khử trùng tiêu độc đối với môi trường chăn nuôi. Trước đó, đơn vị đã xây dựng và tham mưu Sở NN-PTNT ban hành kế hoạch thực hiện, đồng thời phân khai 10.000 lít hóa chất Fordecid cho các huyện có nhu cầu.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Discussion about this post