Tại các xã ven đô của Hải Phòng, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, dù chăn nuôi giảm nhưng dịch bệnh luôn tiềm ẩn do lượng hàng hóa giết mổ tăng.
Nguy cơ dịch bệnh từ các chợ dân sinh ở các xã ven đô ở Hải Phòng rất lớn. Ảnh: Đinh Mười.
An Dương là huyện ven đô thành phố Hải Phòng, gồm 16 xã, thị trấn với dân số hơn 200.000 người. Dù việc phát triển chăn nuôi ngày cảng giảm nhưng nguy cơ dịch bệnh từ các chợ dân sinh lại tăng, nhất là tại các xã ven đô.
Đơn cử như xã Đồng Thái, đây là địa phương đã về đích trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, việc chăn nuôi bị thu hẹp, gần như không còn các trang trại lớn, tuy nhiên tại các chợ dân sinh, lượng hàng hóa đổ về ngày càng nhiều, nhu cầu mua bán tăng cao.
Tại chợ Minh Kha, cách đây khoảng 6 năm trở về trước, gần như chưa bao giờ xảy ra việc ùn tắc, nhưng hiện nay, cứ mỗi buổi chiều từ 17-18h, xe cộ qua điểm này phải di duyển rất chậm vì hàng hóa bày la liệt và người mua, kẻ bán đông nghịt. Trong chợ, thủy hải sản bày la liệt, việc giết mổ gà, vịt cũng diễn ra tràn lan, ngay vỉa hè.
Trong khi đó, tại xã An Đồng, huyện An Dương, đây là một xã ven đô, cuộc sống người dân ở dây chẳng khác gì các đô thị, dân số đã lên đến vài chục nghìn người và gần như không còn đất cho chăn nuôi nhưng để cung ứng thực phẩm cho từng ấy con người, các điểm giết mổ tự phát được hình thành, lượng thịt gia súc, gia cầm tại các điểm giao dịch tăng.
Xã An Đồng, huyện An Dương hiện nay đang có dân số rất đông, lượng thực phẩm cần cung cấp lớn, cần kiểm soát tốt hơn sản phẩm giết mổ. Ảnh: Đinh Mười.
Chị Nguyễn Thị Hân, cán bộ thú y xã An Đồng cho biết, trên địa bàn xã An Đồng hiện chỉ còn 33.000 con gia cầm và hơn 400 con lợn, việc chuyên môn như kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, khử trùng tiêu độc và tiêm phòng vacxin không không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ, dịch bệnh tại các chợ dân sinh, các điểm buôn bán thực phẩm hiện nay là vấn đề cần được quan tâm.
“Ở xã An Đồng, những năm gần đây đô thị hóa, chăn nuôi giảm về quy mô đầu con, đàn chó mèo nuôi cũng giảm, chúng tôi đều tiêm phòng cẩn thận nên tỷ lệ dịch bệnh không đáng lo ngại. Điều đáng lo nhất là dịch bệnh từ nơi khác đến, dịch bệnh từ các chợ, các điểm giết mổ tự phát ngày càng nhiều”, chị Nguyễn Thị Hân bộc bạch.
Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn huyện An Dương các xã đều có chợ và hàng loạt điểm kinh doanh tự phát, hầu hết các chợ trên địa bàn đều xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng xuống cấp, hệ thống thoát nước, khu vệ sinh, bãi rác thải… chưa thực sự đảm bảo.
Do vậy, dù việc chăn nuôi giảm nhưng số lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa giết mổ tại các chợ lại tăng đột biến cùng với phát triển dân số, kéo theo đó, nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương ven đô như huyện An Dương vẫn rất cao nếu không được quan tâm đúng mức và kiểm soát tốt.
Thực phẩm bày la liệt tại chợ Minh Kha, xã Đồng Thái. Ảnh: Quang Dũng.
Ông Nguyễn Văn Kính, Trạm trưởng Trạm thú y huyện An Dương chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó cơ sở sản xuất, chế biến chiếm 1/2, và còn lại là số lượng cơ sở kinh doanh, tiêu dùng. Địa phương chỉ còn 4 trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và 7 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ và khoảng 50 cơ sở giết mổ.
Trong kiểm soát dịch bệnh, lực lượng thú y cơ sở được giao kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi và các khu giết mổ, điều này đang được kiểm soát tốt. Hiện tại, đáng lo ngại nhất là dịch bệnh tại các chợ dân sinh, ở đây lượng hàng hóa ngày càng lớn, nhất là sản phẩm giết mổ, việc kiểm soát dịch bệnh ở đây theo phân cấp thuộc quản lý của chính quyền địa phương mà cơ bản những người được phân công mảng này lại không có chuyên môn.
“Khu Hồng Phong, An Hòa trước đây là trọng điểm chính nhưng giờ người dân gần như chuyển sang làm nhà trọ hết, họ làm những cái có giá trị kinh tế hơn nên dịch bệnh từ chăn nuôi chúng tôi kiểm soát tốt. Dù vậy, dịch bệnh vẫn rình rập từ các chợ dân sinh, nếu các lực lượng chức năng không kiểm soát tốt, nguy cơ dịch bệnh bùng phát diện rộng là rất lớn”, ông Kính cho hay.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đề nghị UBND các huyện, quận thời gian tới để hạn chế dịch bệnh, các quận, huyện cần tập trung chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các ban ngành chức năng tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh tới tận các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nơi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhằm phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Discussion about this post