Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thừa nhận, cả doanh nghiệp lẫn thị trường trái phiếu đều đang gặp khó và rất cần một biện pháp đồng bộ, toàn diện lúc này.
Các khách mời dự tọa đàm của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chiều 28/5. Ảnh: VGP.
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Việt Nam cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập. Trong điều kiện khó khăn, GDP quý I/2023 vẫn duy trì đà tăng trưởng.
Bước sang tháng 4 và 5, tình hình tiếp tục có nhiều khởi sắc, nhiều lĩnh vực chuyển biến tích cực, như vốn FDI đăng ký mới trong tháng 5 tăng mạnh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) có tín hiệu tốt… Các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Ổn định kinh tế trên nhiều khía cạnh
Kết quả này của Việt Nam rất đáng khích lệ khi so sánh với những quốc gia khác trên thế giới, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ông Phương lấy ví dụ, hết quý I, tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đạt 3,32%, trong khi Hoa Kỳ là 1,6%; EU 1,3%; Nhật Bản 1,3%; Hàn Quốc 0,8%.
“Mức tăng này càng ấn tượng khi World Bank và IMF dự báo con số của Việt Nam trong năm 2023 là hơn 2%. Đây là tiền đề để phấn đấu trong các tháng cuối năm”, ông Phương nói.
Không chỉ lấy lại đà tăng trưởng, Việt Nam còn duy trì chỉ số lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Các nền kinh tế khác đều ở mức khá cao như: Singapore (5,5%); Indonesia (5%), EU (7%); Hoa Kỳ (5%). Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành của Việt Nam xuyên suốt từ nửa cuối năm 2022 đến nay.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: VGP.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá thành công của ổn định kinh tế vĩ mô dưới góc độ điều hành chính sách thu chi. Theo ông, trong bối cảnh khó khăn suốt từ mấy năm dịch bệnh, kết hợp với các chính sách miễn, giãn, hoãn các khoản thu, nhiều người sẽ nghĩ rằng nguồn thu ngân sách sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, thực tế là trong năm 2021 và 2022, thu ngân sách đều vượt dự báo rất nhiều.
Từ việc làm tốt nguồn thu, Việt Nam đảm bảo được cán cân thanh toán, đồng thời hạ nợ công xuống mức thấp: từ 50% GDP trước đây xuống 42% năm 2021 và 38% năm 2022.
“Đặc biệt, tỷ giá tiền đồng được neo ở mức ổn định, xung quanh mức 23.500 – 25.000 đồng/USD, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, không sợ đồng tiền mất giá, gây hoang mang, tích trữ”, ông Cường phân tích.
Cùng với đó, ngay khi dự báo lạm phát thế giới có xu hướng chậm lại, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động 3 lần giảm lãi suất dù hầu hết các nước chưa có động thái này. Việc tạo ra mặt bằng lãi suất thấp cũng là một trợ lực, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất.
Phát huy những thành công có, GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất Chính phủ vận dụng thêm chính sách tài khóa, bên cạnh chính sách tiền tệ, trong việc hỗ trợ lãi suất, nhằm hướng đúng dòng vốn vào những đối tượng đang cần hỗ trợ, giúp tăng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.
“Trong thời gian Covid-19, Chính phủ đã giãn, hoãn các khoản đóng góp, tiền thuế, tiền thuê… và vừa qua đã đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế VAT 2%. Hiện VAT đang được đề xuất giảm tiếp đến hết 31/12. Theo tôi, đến 31/12, nếu diễn biến còn phức tạp, khó khăn, Chính phủ nên tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vấn đề này”, ông Cường bày tỏ.
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: VGP.
5 đề xuất cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Dự báo về xu hướng kinh tế thế giới nửa cuối năm 2023 và các năm tới, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu 2 xu thế. Một là suy thoái, khủng hoảng; Hai là bắt đầu có tín hiệu phục hồi.
Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá, nếu chờ tới giai đoạn phục hồi của nền kinh tế, doanh nghiệp mới “bung” sản xuất thì chắc chắn “chậm chân”. Do đó, ông tin rằng đây là thời kỳ phải tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, nhất là khi lạm phát đã được kéo về mức thấp.
Nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện dựa vào 2 nguồn: Thị trường trái phiếu và Hệ thống cấp vốn từ các ngân hàng. Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vì thế, chắc chắn sẽ lại là một chủ đề nóng. Mỗi biến động, dù là nhỏ của thị trường trái phiếu, cũng tác động không nhỏ tới nền kinh tế và niềm tin của người dân.
Ông Cường nhớ lại hồi đầu năm 2022, khi có sự cố một số doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng pháp lý, nhiều nhà đầu tư nhận thấy rủi ro. Rủi ro đó, một phần đến từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu không được kiểm soát, dẫn đến tình trạng phát hành nguồn tiền không có cơ sở, yếu tố cần để bảo đảm cho giá trị trái phiếu.
Một nguyên nhân nữa là từ bản thân nhà đầu tư. Những trái phiếu phát hành riêng lẻ, theo quy định của pháp luật chỉ dành cho đối tượng là người đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với suy nghĩ rằng giống như gửi ngân hàng.
Các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam có điểm rất khác so với nhiều nhà đầu tư thế giới. Đó là, họ thích đầu tư trực tiếp, tự mua, tự cảm nhận được khả năng sinh lời dù không am hiểu. Trái lại, đa số các nhà đầu tư cá nhân thế giới trên thị trường chứng khoán sẽ chọn đầu tư vào quỹ, đầu tư gián tiếp nếu cảm thấy không nắm chắc vấn đề.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa những năm vừa qua. Ảnh: VGP.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ủng hộ quan điểm này. Ông nhận xét, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ 2019 đến những tháng đầu năm 2022 và nhanh chóng đạt quy mô khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, theo số dư đến 31/12/2022.
“Thị trường của chúng ta rất non trẻ. Các chủ thể trong thị trường này cũng vậy. Thành thử, hoạt động phát hành và sử dụng trái phiếu gắn chặt với hoạt động sản xuất kinh doanh. Những tác động mà doanh nghiệp phải chịu, nhà đầu tư cũng chịu tác động tương đương, thậm chí khó lường hơn”, ông Chi cho biết.
Thừa nhận, cả doanh nghiệp lẫn thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỉ giá, lạm phát… thông qua điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ là điểm tựa để thị trường trái phiếu tốt dần lên và hiệu quả hơn.
Thứ hai, sớm nghiên cứu những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giải quyết khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo trên nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ.
Thứ ba, tập trung gỡ những điểm nghẽn trong thị trường trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và xây dựng.
Thứ tư, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải chịu trách nhiệm đến cùng với nghĩa vụ và cam kết với nhà đầu tư. Nhà nước chịu trách nhiệm giám sát doanh nghiệp, giám sát thị trường để đảm bảo việc thực thi các nghĩa vụ, trên tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tất cả các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và TS Nguyễn Sĩ Dũng tại Tọa đàm. Ảnh: VGP.
Cần một khuôn khổ pháp lý để quản lý, hỗ trợ, giám sát
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tạo ra những bước phát triển thần kỳ thông qua thị trường trái phiếu. PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc. Nước này có đến 18 địa phương phát hành trái phiếu xây dựng đường sắt, tàu điện ngầm giúp cơ sở hạ tầng được xây dựng, phát triển mạnh.
Nhìn lại thực trạng Việt Nam vài năm qua, khi tỷ giá tiền đồng ổn định nhưng lãi suất vọt mức rất cao, ông Khương nhắc doanh nghiệp cần có những “tuyến phòng vệ” để tránh vấn đề hình sự. Một trong số đó là kiểm toán hàng năm nhằm đánh giá chính xác tình hình kinh hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới biến đổi không ngừng.
“Xây dựng nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh vì tương lai Việt Nam là vấn đề rất cấp bách”, ông Khương nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, GS.TS Hoàng Văn Cường kêu gọi Chính phủ, Quốc hội sớm xây dựng một khuôn khổ pháp lý để quản lý, hỗ trợ, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông coi đây là bước tiền để cho mọi chủ thể tham gia thị trường có cái nhìn đúng đắn về trái phiếu.
“Không thể có chuyện lợi nhuận, lãi suất phát hành ra 13, 14, 15%, ngân hàng huy động có 6, 7, 8% mà thị trường trái phiếu lên tới mười mấy phần trăm như thế. Một quy luật rất rõ là lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn, nhưng có lẽ ít người nhận thức được điều này”, ông Cường trăn trở.
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng là phải đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có điều kiện, khả năng thanh toán cho các trái chủ theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường niềm tin của thị trường.
Dựa trên chỉ đạo này, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai Nghị định 65, Nghị định 08, trong đó tập trung nâng cao nhận thức, ý thức của các chủ thể tham gia thị trường để họ hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân. Từ đó, tạo hành lang pháp lý để thị trường trái phiếu hoạt động trở lại ổn định và phát triển bền vững.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Discussion about this post