Mỗi khi nhắc đến kiwi người ta sẽ nghĩ ngay đến New Zealand hay táo của Pháp, nho của Peru,… Việt Nam có nhiều loại trái cây chất lượng như thanh long, xoài, dứa nhưng lại chưa định vị được thương hiệu trên bản đồ thế giới, CEO Andros Asia – một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trái cây nhận định.
Việt Nam chưa có thương hiệu nông sản quốc gia
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng rau quả chế biến đạt gần một tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Thị trường rau quả chế biến thế giới cũng dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025.
Trước dư địa rộng lớn này, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới.
Tuy nhiên trong thực tế, sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng 30% trong kim ngạch xuất khẩu do tình trạng sản xuất manh mún, đầu tư thiếu đồng bộ và thiếu vắng những doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến.
Bàn về câu chuyện chế biến nông sản, ông Valentin Tran, Tổng Giám đốc của Andros Asia thuộc Tập đoàn Andros (Pháp), một doanh nghiệp về chế biến và xuất khẩu nông sản chỉ ra rằng Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng nông sản nhưng chưa phát huy hết tiềm năng.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây của Việt Nam nằm ở câu chuyện cạnh tranh và thương hiệu. Đơn cử như với trái xoài, Việt Nam phải cạnh tranh khắc nghiệt với những đối thủ khác như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines…
“Cùng trong khu vực khí hậu nhiệt đới, lợi thế về tự nhiên là tương đương nhau, do vậy tiêu chuẩn, chất lượng và thương hiệu trái cây sẽ quyết định ai là “người thắng” trong cuộc chạy đua này”, ông Valentin Tran cho hay.
“Mỗi khi nhắc đến kiwi người ta sẽ nghĩ ngay đến New Zealand hay táo của Pháp, nho của Peru,… Việt Nam có nhiều loại trái cây chất lượng như thanh long, xoài, dứa… nhưng lại chưa có thương hiệu quốc gia để thị trường quốc tế nhớ tới”, ông nói.
Ông Valentin Tran đề nghị Chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng trái cây chủ lực để tăng giá trị cho sản phẩm và giúp các đối tác, nhà đầu tư có cơ hội nhận diện, tìm hiểu về trái cây của Việt Nam.
Ngoài vấn đề thương hiệu, CEO Andros Asia cho rằng sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn an toàn Global G.A.P, VietGAP cũng quan trọng không kém.
Mỗi năm thương hiệu này đang cung cấp 3.000 tấn thanh long cho Starbucks trên toàn cầu. Starbucks cũng đã đến Việt Nam, khảo sát vùng nguyên liệu và nhà máy trước khi quyết định hợp tác. Điều này cho thấy đối tác quốc tế rất khắt khe với những quy định về an toàn trong sản xuất.
Qua khảo sát thực tế, Andros nhận thấy, nông dân Việt Nam vẫn đang lạm dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật trong canh tác. Trong khi canh tác hữu cơ mới là xu hướng được thế giới hướng tới nhờ giá trị cao, góp phần phát triển bền vững và cơ hội xuất khẩu cũng rất rộng mở.
Do vậy, ông Valentin Tran cho rằng để trái cây Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế, điều kiện tiên quyết là phải áp dụng các tiêu chuẩn canh tác an toàn của quốc tế như Global G.A.P.
Sản phẩm chế biến từ trái cây Việt Nam sẽ đi từ thị trường nội địa đến xuất khẩu
Một vấn đề khác được ông Valentin Tran đề cập là Việt Nam chưa chú trọng chế biến nông sản dù điệp khúc “được mùa mất giá” năm nào cũng lặp lại.
Theo khảo sát của Andros, người Việt chủ yếu tiêu thụ trái cây tươi, chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm như mứt trái cây, kẹo trái cây,…
Ông Valentin Tran cho rằng những sản phẩm này không chỉ giúp nâng cao giá trị cho trái cây Việt Nam mà còn thúc đẩy người Việt tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm chế biến từ trái cây.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch cho việc mở rộngthêm một kho lạnh có dung tích gấp đôi, khoảng 3.000 palette, mở rộng nhà máy, nâng công suất chế biến trái cây từ 15.000 tấn/năm lên 25.000 tấn/năm. Theo lộ trình 5 năm, chúng tôi sẽ xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ trái cây Việt Nam sang Thái Lan, Indonesia, Singapore, Mỹ, EU”, ông nói.
Trong năm 2022, công ty Andros Asia đã đưa vào hoạt động kho lạnh có sức chứa 1.500 palette với diện tích 6.000 m2, đây là một phần của nhà máy chế biến trái cây Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích 10.000 m2.
Nguồn: VietNam Biz
Discussion about this post